Dồn sức cho các dự án giao thông kết nối Đông Nam Bộ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chuyến công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành dẫn đầu tại TP.HCM và một số tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ đặt nhiệm vụ trọng tâm là thúc tiến độ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối khu vực. Đây cũng là thời điểm hàng loạt dự án giao thông được kích hoạt từ chính các địa phương trong khu vực.
Các tuyến kết nối TP.HCM với khu vực Đông Nam Bộ đang trong tình trạng quá tải, không đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Ảnh: Lê Tiên
Các tuyến kết nối TP.HCM với khu vực Đông Nam Bộ đang trong tình trạng quá tải, không đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Ảnh: Lê Tiên

Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, các tuyến kết nối TP.HCM với khu vực Đông Nam Bộ đang trong tình trạng quá tải, không đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Đặc biệt, hệ thống đường vành đai kết nối đồng bộ khu vực đang triển khai rất chậm. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn tới xu hướng tăng trưởng của toàn khu vực đang chậm lại.

“Để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, ngành giao thông và các địa phương cần ưu tiên hàng đầu cho việc đầu tư hoàn thành khép kín các tuyến giao thông liên vùng. Trong đó, những dự án quan trọng đặc biệt là 2 tuyến Vành đai 3, Vành đai 4, mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây”, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định, Chính phủ quan tâm sát sao việc triển khai các dự án Vành đai 3, Vành đai 4. Việc hoàn thiện hồ sơ các dự án đã tiến hành chặt chẽ với sự chủ trì của TP.HCM, Bộ Giao thông vận tải cùng 3 địa phương (Đồng Nai, Bình Dương, Long An) có Dự án đi qua. Đây là những dự án rất quan trọng, mở ra không gian phát triển cho TP.HCM và kết nối với địa phương. Do đó, đề nghị các bộ, ngành và địa phương tập trung cao độ, chủ động thực hiện các dự án đường vành đai vì tiến độ đến nay còn quá chậm.

Về hình thức thực hiện Dự án Vành đai 3, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, các địa phương cần rà soát kỹ để lựa chọn phương án phù hợp với từng đoạn do tổng mức đầu tư Dự án rất lớn. “Đoạn nào áp dụng phương thức đối tác công tư (PPP) được thì địa phương mạnh dạn đề xuất, đoạn nào phải thực hiện bằng 100% ngân sách nhà nước thì lên kế hoạch sớm để chủ động cân đối nguồn vốn. Coi trọng chất lượng tư vấn lập dự án, đánh giá kỹ về phương án đầu tư, đặc biệt rà soát suất đầu tư, kinh phí giải phóng mặt bằng, kinh phí xây lắp... để tháng 2/2022 hoàn thiện phương án nhằm chuẩn bị trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư ngay tháng 4/2022”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định, Dự án đường Vành đai 3 là tuyến đường huyết mạch của TP.HCM cũng như của toàn vùng. Do đó, đầu tư cho Vành đai 3 sớm ngày nào sẽ phát huy giá trị kinh tế to lớn đối với toàn khu vực. TP.HCM cam kết đẩy nhanh mọi thủ tục để hoàn thiện hồ sơ Dự án, xây dựng phương án phù hợp, hấp dẫn để thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia dự án này.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, khi Dự án Vành đai 3 hoàn thành hồ sơ, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây mở rộng sử dụng vốn ODA cũng sẽ được khởi công. Đây là dự án bức thiết do tuyến cao tốc hiện hữu đang quá tải trầm trọng.

Trong khi đó, từ chính các địa phương trong khu vực Đông Nam Bộ, từ cuối tháng 12/2021 đã đồng loạt triển khai các dự án giao thông lớn mang tính kết nối khu vực. Đầu tiên là tỉnh Bình Dương với việc khởi động công trình kết nối với tỉnh Bình Phước thông qua tuyến Bắc Tân Uyên - Đồng Phú. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương Mai Bá Trước cho biết, năm 2022, Bình Dương bố trí gần 8.600 tỷ đồng để triển khai 113 dự án, ưu tiên các dự án giao thông trọng điểm kết nối. Riêng các đoạn thuộc Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành cũng được Bình Dương cam kết sắp xếp vốn.

Cũng tại Đồng Nai, ngày 27/12/2021 vừa qua đã khởi công xây dựng cầu Bạch Đằng 2 bắc qua sông Đồng Nai nối thị xã Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) với huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai). Dự án cùng hai đường dẫn có tổng chiều dài hơn 2,8 km; trong đó, cầu dài khoảng 410 m, rộng 17 m, có 4 làn xe. Dự kiến Dự án sẽ hoàn thành xây dựng vào năm 2023. Tổng mức đầu tư Dự án là hơn 420 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai. Nguồn vốn thực hiện Dự án được chia theo tỷ lệ mỗi địa phương đóng 50% với phần cầu chính, các tỉnh tự đầu tư xây dựng phần đường dẫn trên địa bàn.

Ngày 26/12/2021, tỉnh Long An đã tổ chức lễ khởi công Đường tỉnh 823D (trục mở mới Tây Bắc kết nối tỉnh Long An - TP.HCM và các tỉnh Đông - Tây Nam Bộ)…

Những “cái bắt tay” này đang tạo nên sức mạnh liên kết to lớn để hạ tầng giao thông khu vực Đông Nam Bộ dần hoàn thiện hơn khi Dự án Vành đai 3 được triển khai trong thời gian tới.

Chuyên đề