Buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ Công Thương, PVN với PVTex diễn ra ngay sau Tết Mậu Tuất. |
Đây là nhà máy do PVN nắm giữ trên 75% vốn cổ phần, tổng vốn đầu tư lên tới 325 triệu USD (tương đương gần 7.000 tỷ đồng) nhưng từ khi chạy thử và vận hành vào tháng 5/2014 đã liên tục đối mặt với việc không bán được hàng, tạm dừng sản xuất.
Sau khi vận hành khoảng 7 tháng dự án đã lỗ hơn 1.085 tỷ đồng, doanh thu không đủ bù chi phí tối thiểu. Theo báo cáo, PVN đang phải gánh chịu toàn bộ khoản công nợ đã vay để thực hiện dự án cũng như khoản lỗ trên 3.000 tỷ đồng của nhà máy.
Hồi năm ngoái, PVN đã thực hiện công tác định giá tài sản chuẩn bị cho phương án chuyển nhượng hoặc phá sản công ty khi phương án khởi động vận hành lại nhà máy xơ sợi Đình Vũ không được thực hiện.
Phương án ít thiệt hại nhất sẽ được đề xuất vào tháng 4 tới
Tại buổi làm việc mới đây, Chủ tịch HĐQT PVTex Đào Văn Ngọc cho biết, mục tiêu của doanh nghiệp này cho đến thời điểm hiện tại vẫn là phát huy giá trị tài sản đã đầu tư.
Bởi vậy, PVTex sẽ tiến hành khởi động một phần phân xưởng DTY vào ngày 20/3/2018 và từng bước nâng dần công suất xưởng DTY để tạo tiền đề cho việc khôi phục vận hành sản xuất kinh doanh toàn nhà máy.
Trong đó, dự kiến thời gian sản xuất kinh doanh phân xưởng DTY của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ trong vòng 6 tháng (từ 20/3 đến 20/9/2018) trong khi chờ kết quả lựa chọn đối tác hợp tác vận hành toàn nhà máy. Tổng sản lượng sản xuất khoảng 1.153 tấn sợi, trong đó, sản lượng kinh doanh khoảng 1.150 tấn và doanh thu khoảng 44,16 tỷ đồng; lợi nhuận trước chi phí cố định là 0,15 tỷ đồng.
Về phương án hợp tác với đối tác vận hành sản xuất kinh doanh Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ trong năm 2018, PVTex cho biết đã nhận được hồ sơ đề xuất của Công ty Cổ phần An Phát Holdings - là đơn vị đứng đầu liên danh giữa Công ty Cổ phần An Phát Holdings, Công ty Reliance Industries Limited (Ấn Độ) và Công ty Fortrec Chemicals & Petroleum Pte Ltd (Singapore). Đơn vị này đã hoàn tất công tác tổ chức đánh giá hồ sơ, đàm phán các điều khoản chi tiết với đối tác An Phát với sự hỗ trợ của PVN và Tổng Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo).
Trong kế hoạch dài hạn (5 năm), dự kiến vào tháng 4 tới, PVTex sẽ trình lãnh đạo PVN, Bộ Công Thương, cùng Ban ngành liên quan các kịch bản cụ thể. Phương án gồm: tự vận hành; hợp tác gia công; bán hoặc phá sản công ty và đề xuất phương án ít thiệt hại nhất cùng với các cơ chế chính sách đảm bảo phương án khả thi nhất.
Xin hàng loạt cơ chế để vận hành trở lại
Ngoài ra, ông Ngọc cũng nêu một số kiến nghị, đề xuất trọng điểm với lãnh đạo Bộ Công Thương và PVN để Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ có thể vận hành trở lại.
Cụ thể, đơn vị này xin xem xét cho PVTex rút ngắn thời gian hoàn thuế VAT, không tính khấu hao tài sản cố định tối thiểu 3 năm đầu sản xuất; hỗ trợ pháp lý nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến đối tác trong quá trình hợp tác sản xuất kinh doanh (nếu có). Tiếp tục duy trì thuế nhập khẩu đối với sản phẩm xơ hiện nay là 2%, xem xét nâng lên 5% trong giai đoạn đầu nhà máy đi vào vận hành; miễn thuế nhập khẩu POY từ 3% xuống 0%; chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ, cung cấp điện liên tục ổn định cho PVTex.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, với một đơn vị đang gặp khó khăn như PVTEX, việc đáp ứng những đề xuất như trên là điều nên làm và hoàn toàn khả thi.
Ông Vượng nói, các cán bộ công nhân viên đang công tác tại PVTex, những người đang khắc phục dự án khó khăn đáng được biểu dương và có thể hoàn toàn yên tâm công tác. Với các khó khăn cụ thể của dự án, các cổ đông của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ chịu trách nhiệm trực tiếp và hoàn toàn có quyền quyết định đến số phận của nhà máy.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng nếu Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ vận hành lại được phân xưởng DTY vào tháng 3 này là một kết quả đáng khích lệ đối với CBCNV, tạo thuận lợi, niềm tin về việc vận hành toàn bộ nhà máy. Đặc biệt, khi thấy công tác nào có lợi cho nhà máy, PVN phải quyết liệt thực hiện ngay.
“Với phương án hợp tác vận hành lại nhà máy, khó khăn lớn nhất là các cấp lãnh đạo phải có cam kết về pháp lý đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, cá nhân tôi cho rằng Ban Chỉ đạo Chính phủ sau khi phân tích, đánh giá cụ thể kế hoạch hợp tác giữa PVTEX và các đối tác nếu có lợi cho nhà máy, Ban Chỉ đạo Chính phủ sẽ có giải pháp để bảo đảm quyền lợi của đối tác tham gia vào dự án”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.