Tiếp tục gỡ khó cho doanh nghiệp nhỏ

(BĐT) - Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến dành khoảng 3.000 tỷ đồng hỗ trợ khối DN này. 
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Các giải pháp hỗ trợ sẽ được thực hiện thông qua kênh gắn kết trực tiếp với DN với mục tiêu đem lại hiệu quả cao nhất.

Chính sách hỗ trợ chưa phát huy hiệu quả

Theo báo cáo tình hình triển khai thực hiện hỗ trợ và phát triển DNNVV giai đoạn 2011 - 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), mặc dù số DNNVV thành lập trong giai đoạn 2011 - 2015 đạt 380.000 DN, vượt so với mục tiêu kế hoạch đặt ra là 350.000 DN, song tính lũy kế số DN thực tế đang hoạt động đến thời điểm cuối năm 2015 chỉ đạt 530.000 DN, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu kế hoạch đặt ra là 600.000 DN do số DN giải thể, phá sản tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Nhận định về tình hình triển khai kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn này, Bộ KH&ĐT chỉ rõ, trong 5 năm qua, các biện pháp hỗ trợ DN nói chung vẫn chưa đáp ứng hết mong muốn của DN, nhiều chính sách mới dừng lại ở nội dung khuyến khích, thiếu sự liên kết, phối hợp giữa các bộ, ngành và nhiều địa phương chưa quan tâm thỏa đáng tới mục tiêu hỗ trợ DNNVV phát triển. Bên cạnh đó, các giải pháp mới chỉ chủ yếu triển khai theo chiều rộng, chưa đi vào chiều sâu, chính sách chung chung, thiếu giải pháp hỗ trợ dành riêng cho khu vực DNNVV với đặc thù quy mô nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động manh mún, tự phát và dễ bị tổn thương.

Bộ, ngành nào cũng có chính sách hỗ trợ nhưng lại thiếu quy trình chuẩn tổng thể, việc triển khai thực hiện chính sách lại không tập trung.Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam

Theo lý giải của Bộ KH&ĐT, sở dĩ có tình trạng này là do Nhà nước không có đủ nguồn lực triển khai kế hoạch, các nội dung hỗ trợ cho DNNVV chủ yếu phải lồng ghép với các chương trình hỗ trợ chung của các bộ, ngành và địa phương, nên hầu hết dự án hỗ trợ đều không độc lập. Trong khi đó các địa phương lại chưa chủ động tập trung nguồn lực; phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương còn hạn chế, bản thân DNNVV còn yếu.

Đứng ở góc độ DN, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam Tô Hoài Nam cho rằng, chính sách nhiều nhưng không phát huy hiệu quả là do việc thực hiện dàn trải, thiếu đồng bộ. “Bộ, ngành nào cũng có chính sách hỗ trợ nhưng lại thiếu quy trình chuẩn tổng thể, việc triển khai thực hiện chính sách lại không tập trung. Bộ KH&ĐT dù được giao làm đầu mối cho việc này nhưng các bộ khác có chính sách cũng không coi trọng việc phối hợp đầu mối nên chính sách tản mát”, ông Tô Hoài Nam phân tích và cho rằng, để các chính sách hỗ trợ DN đạt được sự đồng thuận, phát huy tác dụng và đạt hiệu quả cao thì khi xây dựng chính sách cần có sự tham vấn, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, cơ quan và địa phương; các nội dung hỗ trợ cần tập trung vào những gì DN cần, đi vào thực chất và hết sức tránh hình thức hay manh mún.

Dành 3.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp

Theo ông Tô Hoài Nam, các DNNVV luôn mong muốn được hỗ trợ về pháp lý, môi trường kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực, tiếp cận nguồn vốn vay, mặt bằng sản xuất, tư vấn phương án kinh doanh, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu, được áp dụng mức thuế hợp lý. Đặc biệt, việc tạo cơ chế chính sách thuận lợi, ổn định để DNNVV có thể tồn tại, hoạt động và phát triển là điều mà họ cần nhất, bởi DNNVV rất dễ bị tổn thương, là khu vực thường chịu rủi ro đầu tiên khi chính sách và cơ chế thường xuyên thay đổi.

Đồng tình với quan điểm nêu trên, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, DNNVV thường là khu vực bị “hành” nhiều nhất bởi các rào cản về thủ tục hành chính pháp lý, do đó việc gỡ khó cho DNNVV về thủ tục và thể chế để tạo điều kiện cho DNNVV có thể hoạt động được cần xuất phát từ chính các kiến nghị, đề xuất lên từ phía khu vực này, có như vậy mới sửa đúng chỗ cần sửa để hỗ trợ trúng nhu cầu của DN. Mặt khác, chính sách hỗ trợ cần giúp thúc đẩy DN có động lực phát triển từ nhỏ lên vừa, từ vừa vươn lên quy mô lớn để tăng sức cạnh tranh.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Thành, các giải pháp hỗ trợ nên thông qua kênh gắn kết trực tiếp với DNNVV là các hiệp hội, thay vì Nhà nước trực tiếp đứng ra triển khai, bởi Nhà nước không thể có đủ nguồn lực để giải quyết tất cả và thỏa mãn được các nhu cầu của DN. Vai trò của Nhà nước là tập trung cải cách thể chế để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN, đồng Nhà nước chỉ nên xuất hiện khi cần sửa chữa những thất bại của thị trường, còn việc triển khai hỗ trợ là thuộc về chức năng của các hiệp hội DN do DN tự liên kết thành lập.

Theo kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 5 năm tới, mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2016 - 2020 là số DNNVV đăng ký thành lập đạt 450.000 DN; số DN hoạt động đến năm 2020 đạt 750.000 DN, chiếm 98% tổng số DN toàn quốc; tỷ lệ lao động trong DNNVV đạt 50%, tỷ trọng đóng góp GDP đạt 40% và đóng góp ngân sách nhà nước đạt 35%.

Để thực hiện được kế hoạch này, nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ đã được đưa ra, bao gồm cải thiện môi trường kinh doanh với việc ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV, sửa đổi chế độ kế toán, cải thiện thủ tục hành chính thuế, phí. Cùng với đó, các giải pháp hỗ trợ tiếp cận tài chính tín dụng thông qua việc khắc phục cơ chế bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, xây dựng cơ chế khuyến khích cho vay thông qua ngân hàng thương mại sẽ được tập trung triển khai.

Đặc biệt, theo kế hoạch này, sẽ có 15 chương trình hỗ trợ dự kiến, với tổng kinh phí khoảng 3.000 tỷ đồng dành riêng cho khu vực DNNVV triển khai trên mọi lĩnh vực liên quan đầu vào cho DNNVV, bao gồm đào tạo, thông tin, pháp lý, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hỗ trợ nâng cao năng lực, ứng dụng chuyển giao tài sản trí tuệ…

Chuyên đề