VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý 1 tăng gần 66% so với quý 4/2023

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - VPBank khởi động quý 1, 2024 đầy thuận lợi với lợi nhuận trước thuế (LNTT) hợp nhất tăng gần 66% so với cuối năm 2023 và 64% so với cùng kỳ. Ngân hàng mẹ và các công ty con đang bám sát các kế hoạch kinh doanh của năm 2024, tối ưu các cơ hội thị trường mang lại, trong khi kiểm soát chặt chẽ rủi ro và tăng cường các nền tảng hỗ trợ, làm bước đệm cho tăng trưởng trong các quý tiếp theo.
VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý 1 tăng gần 66% so với quý 4/2023
VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý 1 tăng gần 66% so với quý 4/2023

Tăng trưởng quy mô, đảm bảo an toàn thanh khoản

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam đối diện với nhiều khó khăn và thách thức chuyển tiếp từ năm 2023, VPBank vẫn duy trì được chiến lược tăng trưởng quy mô bền vững, đảm bảo an toàn thanh khoản và bám sát mục tiêu lợi nhuận quý theo kế hoạch đặt ra từ đầu năm.

Kết thúc quý 1, tín dụng hợp nhất của VPBank tăng 2,1% so với đầu năm – cao hơn mức trung bình ngành 1,3%, và tăng gần 22% so với cùng kỳ, đạt gần 613 nghìn tỷ đồng. Trong đó, phân khúc SME ghi dấu ấn với mức tăng gần 14%, nhờ đẩy mạnh chiến lược thu hút khách hàng mới và số hóa quy trình cho vay nâng cao trải nghiệm cho khách hàng. Phân khúc Khách hàng cá nhân (KHCN), tiếp tục phát huy thế mạnh truyền thống với dư nợ cho vay đạt trên 240 nghìn tỷ đồng, với dấu ấn từ các sản phẩm cho vay kinh doanh và thẻ tín dụng, tăng lần lượt 3,4% và 4% so với đầu năm. Đáng chú ý, phân khúc cho vay mua nhà phố ghi nhận tăng trưởng 5%, chiếm tỷ trọng 51% trên tổng quy mô cho vay mua nhà, phát đi tín hiệu ấm dần của thị trường bất động sản.

Cùng với tăng trưởng quy mô tín dụng, huy động từ khách hàng và giấy tờ có giá của ngân hàng hợp nhất tăng 2,4% so với cuối năm 2023 và tăng hơn 21% so với cùng kỳ, góp phần củng cố hiệu quả bảng cân đối. Nền tảng vốn vững chắc bồi đắp trong năm 2023 cùng thanh khoản dồi dào đã và đang góp phần tối ưu chi phí vốn (CoF) của VPBank qua từng quý. Tại thời điểm 31/3, chi phí vốn của ngân hàng hợp nhất giảm xuống dưới 5% so với trung bình trên 6% của quý 4 và cả năm 2023, định hình xu hướng giảm dần qua từng quý.

Đi qua 1/4 chặng đường của năm 2024, VPBank ghi nhận LNTT hợp nhất đạt gần 4,2 nghìn tỷ đồng, tăng gần 66% so với quý liền trước và 64% so với cùng kỳ. Riêng tại ngân hàng mẹ, LNTT của quý 1 đạt hơn 4,9 nghìn tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với quý 4, 2023, với tổng thu nhập hoạt động tăng 15% và thu nhập lãi thuần tăng 25% so với cùng kỳ.

Tính gộp lợi nhuận ngân hàng mẹ với VPBankS và OPES, VPBank thu về gần 5,2 nghìn tỷ đồng, tăng xấp xỉ 2 lần so với quý cuối năm 2023.

Tại FE Credit, tiếp nối hoạt động tái cấu trúc từ năm 2023, cánh tay tài chính tiêu dùng đẩy mạnh lợi thế từ chiến lược mô hình tập đoàn, tập trung quản trị danh mục, hướng tới tự động hóa nhằm giảm thiểu chi phí vận hành và tăng năng suất hoạt động. Kết quả là doanh số giải ngân của công ty liên tục được cải thiện, với quý đầu năm tăng 29% so với trung bình năm 2023. Và dưới sự hỗ trợ của đối tác chiến lược SMBC cùng sự hậu thuẫn của ngân hàng mẹ, FE Credit được kỳ vọng sẽ sớm tìm lại chu kỳ tăng trưởng vốn có, hướng tới mục tiêu tăng trưởng dương trong năm 2024 và tăng trưởng bền vững trong trung-dài hạn.

Đặt nền móng cho tăng trưởng bền vững

Trong nỗ lực số hóa hệ sinh thái nhằm trải đường cho tăng trưởng bền vững trong giai đoạn tiếp theo, ngân hàng mẹ và các công ty con liên tục đầu tư, tăng cường chuyển đổi số, hoàn thiện cơ sở hạ tầng số để tối ưu chi phí hoạt động, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng tệp khách hàng.

Có thể kể tới các nỗ lực kiện toàn nền tảng ngân hàng số của ngân hàng mẹ trong thời gian vừa qua. Ngay trong quý đầu năm, ngân hàng mẹ đã tiên phong triển khai phương thức xác thực mới cho các giao dịch trực tuyến của chủ thẻ quốc tế - với tên gọi Out of Band (OOB) trên nền tảng ngân hàng số VPBank NEO. Đây là phương thức giúp tăng cường bảo mật và nâng cao trải nghiệm giao dịch thẻ quốc tế. Ngoài ra, tính năng Card Zone quy tụ các tiện ích của thẻ trên ứng dụng VPBank NEO đã mang tới cho người dùng những trải nghiệm liền mạch và nhanh chóng, giúp thu hút thêm tệp khách hàng mới cho ngân hàng.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, số lượng tài khoản đăng ký lũy kế trên VPBank NEO đạt gần 9,4 triệu với hơn 124 triệu giao dịch thực hiện.

Trước đó trong năm 2023, VPBank NEO đã ra mắt hơn 120 sản phẩm, dịch vụ mới, nâng tổng số lượng tính năng, sản phẩm lên con số 250. Các tính năng, sản phẩm nổi bật bao gồm Loan On Card, ShopQR, Tap & Pay, Apple Pay, eKYC… cho phép khách hàng dễ dàng quản lý và thực hiện các yêu cầu về giao dịch tài chính chỉ trên một ứng dụng duy nhất.

Hoạt động phát triển và nâng cấp các giải pháp và dịch vụ ngân hàng trên kênh số hóa đã giúp VPBank nâng cao hiệu quả hoạt động nhờ tối ưu hóa chi phí vận hành. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của ngân hàng mẹ đã giảm xuống 24,6% trong quý đầu năm 2024 (giảm đáng kể so với mức 26,1% của năm 2023).

Còn tại VPBankS, công ty chứng khoán đã tích cực xây dựng nền tảng sản phẩm, dịch vụ chuyên biệt, “đo ni đóng giầy” với từng khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư, hướng tới mục tiêu trở thành one-stop shop – điểm đến duy nhất của mọi nhà đầu tư tới năm 2026. Website NEO Invest phiên bản mới, theo đó, đã ra mắt gần đây, cung cấp cho nhà đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư chủ động một nền tảng giao dịch đơn giản và tiện lợi, mang tới các giá trị gia tăng trên hành trình đầu tư của khách hàng.

Trong khi đó, OPES đang từng bước xây dựng nền tảng và thương hiệu bảo hiểm số, tiến tới số hóa toàn bộ hành trình trải nghiệm của khách hàng, chính thức bước vào cuộc đua chuyển đổi số của ngành bảo hiểm nhằm tối ưu doanh thu và lợi nhuận, đồng thời theo kịp bước tiến của hệ sinh thái VPBank.

Chuyên đề