Nhiều doanh nghiệp đặt mục tiêu kinh doanh lạc quan trong năm 2020 |
Nhu cầu các mặt hàng thiết yếu gia tăng khi Chính phủ áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19 góp phần giúp một số doanh nghiệp như Công ty CP Tập đoàn Dabaco có phần “dễ thở” hơn.
Nói là “dễ thở” hơn, vì trong năm 2019, lĩnh vực kinh doanh thịt lợn của Dabaco bị ảnh hưởng nặng nề bởi bệnh lở mồm long móng, và sau đó là dịch tả lợn châu Phi. Lũy kế cả năm, Dabaco chỉ đạt 305 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, bằng 86% kế hoạch và giảm 15,27% so với năm 2018.
Bước sang năm 2020, trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đã dịu bớt, Dabaco đặt mục tiêu tổng doanh thu (bao gồm cả doanh thu nội bộ) đạt 13.203 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 457 tỷ đồng (tăng gấp rưỡi so với năm 2019).
Thậm chí, doanh nghiệp này còn muốn xem xét việc điều chỉnh tăng kế hoạch sản xuất kinh doanh vào thời điểm thích hợp sau khi kết thúc quý II/2020. Cần lưu ý, không chỉ kinh doanh thịt lợn, doanh nghiệp này còn nhiều mảng kinh doanh khác có thể chịu tác động bất lợi của dịch Covid-19.
Sớm đưa ra mục tiêu kinh doanh cho năm 2020 tại thời điểm dịch bệnh chưa bùng phát, Công ty CP Thế giới di động lên kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là hơn 122.000 tỷ đồng và hơn 4.800 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng 18% và 26% so kết quả thực hiện năm 2019.
Trước những diễn biến của dịch bệnh, ban lãnh đạo của Công ty vẫn tỏ ra lạc quan và cho biết đã cân nhắc các tình huống có thể phát sinh, chuẩn bị các phương án đối phó phù hợp. Doanh thu của Công ty từ kênh online trong tháng 3/2020 chiếm 10% tổng doanh thu, tăng mạnh so với tỷ lệ 6% trong 2 tháng đầu năm 2020.
Đồng thời, ban lãnh đạo doanh nghiệp này cũng khẳng định chưa nhận thấy các tác động tiêu cực ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh và không có ý định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020.
Doanh thu của Công ty CP Thế giới di động từ kênh online trong tháng 3/2020 chiếm 10% tổng doanh thu
“Đại gia” trong lĩnh vực công nghệ như Công ty CP FPT cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tích cực cho năm 2020. Cụ thể, FPT đặt mục tiêu doanh thu đạt 32.450 tỷ đồng và lãi trước thuế đạt 5.510 tỷ đồng trong năm 2020, tức tăng lần lượt 17% và 18% so với thực hiện năm 2019.
Hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản, chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch Covid-19, song Công ty CP Tập đoàn Hà Đô vẫn tỏ ra tự tin. Ban lãnh đạo của Hà Đô dự kiến trình cổ đông kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 5.394 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.173 tỷ đồng, lần lượt tăng 22% và 5% so với thực hiện 2019. Bên cạnh đó, Hà Đô cũng muốn chia cổ tức tỷ lệ 30% trong năm nay.
Sự lạc quan còn xuất hiện ở các doanh nghiệp đang chìm trong thua lỗ như Công ty CP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai. Trong năm 2019, doanh nghiệp này ghi nhận lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 2.426 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty đã thực hiện chuyển nhượng một số công ty con và dùng nguồn tiền thu được để trả nợ vay ngân hàng, khiến tổng vay nợ cuối năm chỉ còn hơn 9.200 tỷ đồng. Điều này được kỳ vọng sẽ góp phần giảm đáng kể áp lực chi phí lãi vay trong năm 2020.
Năm 2020, doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu 4.307 tỷ đồng, gấp 2,4 lần năm 2019 và lợi nhuận trước thuế là 566 tỷ đồng.
Được dự báo sẽ hưởng lợi từ việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tuy nhiên, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng lại tỏ ra thận trọng hơn.
Cụ thể, Công ty CP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương đặt mục tiêu doanh thu năm 2020 đạt 1.476,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 320 tỷ đồng, lần lượt tăng 13,5% và giảm 3% so với thực hiện năm trước. Mức chi trả cổ tức sẽ phụ thuộc vào tình hình thực tế và sẽ được trình bày cụ thể tại Đại hội đồng cổ đông năm 2021.
Tương tự, Công ty CP Xi măng Hà Tiên đặt kế hoạch sản xuất và tiêu thụ gần 7,3 triệu tấn xi măng cho năm 2020, giảm nhẹ so với mức thực hiện năm 2019. Công ty này cũng đặt mục tiêu doanh thu thuần là 8.584 tỷ đồng, giảm 3% so với năm ngoái, và lợi nhuận trước thuế là 830 tỷ đồng, giảm 11%.
Dù dịch Covid-19 đã và đang làm đảo lộn hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhưng sự phục hồi sau dịch có thể nhanh hơn mong đợi nếu các doanh nghiệp thích nghi, hoàn thiện bộ máy và nắm bắt được cơ hội. Sự lạc quan của nhiều DN đến từ nỗ lực kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả của Việt Nam mà không phải quốc gia nào cũng làm được.