Doanh nghiệp tăng nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất

0:00 / 0:00
0:00
Nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất gia tăng đã khiến kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng cao trong thời gian qua.
Nửa đầu tháng 6, cả nước chi 16,53 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa
Nửa đầu tháng 6, cả nước chi 16,53 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa

Theo Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 06/2022 (từ 01/06 - 15/06), kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 15,1 tỷ USD.

Trong đó, các nhóm hàng xuất khẩu lớn như điện thoại, máy vi tính, máy móc, dệt may, giày dép vẫn duy trì được kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên.

Ngoài ra, nhiều nhóm hàng đạt kim ngạch từ 100 đến hàng hàng trăm triệu USD, trong đó có nhiều nhóm hàng thuộc ngành nông nghiệp như thủy sản, cà phê, hạt điều, rau quả…

Chiều ngược lại, nửa đầu tháng 6, cả nước chi 16,53 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa.

Như vậy, cán cân thương mại nửa đầu tháng 6 thâm hụt 1,43 tỷ USD. Diễn biến nhập siêu không quá bất ngờ khi thời điểm này doanh nghiệp tập trung nhập khẩu hàng hóa là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, mặt khác nhiều nhóm hàng tăng giá do diễn biến của tình hình thế giới, nhất là liên quan đến mặt hàng xăng dầu…

Tính chung từ đầu năm đến 15/6, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 168,3 tỷ USD, trong khi nhập khẩu đạt 169,6 tỷ USD. Đáng chú ý, cả hai chiều xuất, nhập vẫn duy trì mức tăng trưởng khá hai con số so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc nhập siêu trong nửa đầu tháng 6 khiến cán cân thương mại ở mức thặng dư khi kết thúc tháng 5 đảo chiều tính lũy kế đến 15/6 với con số thâm hụt 1,3 tỷ USD.

Tại buổi họp báo thường kỳ quý II của Bộ Công Thương mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong những tháng cuối năm, ngành Công Thương sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện hiệu quả Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 và Chương trình phục hồi kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo... tạo giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp, tạo nguồn hàng ổn định, chất lượng cho xuất khẩu. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, kết nối tiêu thụ hàng hóa, nông sản trên môi trường số, thương mại điện tử.

Đồng thời, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các FTA đã ký kết để tăng tốc xuất khẩu và đẩy mạnh tiêu thụ trong nước; Rà soát, kiến nghị các giải pháp nhằm giảm các loại thuế, phí hoặc đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng lớn trong trường hợp giá đầu vào của một số mặt hàng (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) tiếp tục tăng cao…

Chuyên đề