Tăng trưởng kinh tế của Lào Cai trong 3 năm 2016 - 2018 được duy trì ở mức khá cao và tương đối ổn định, bình quân tăng 10,1%/năm. Ảnh: Đặng Minh Dũng |
Phóng viên Báo Đấu thầu đã có cuộc phỏng vấn ông Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai về những chủ trương, định hướng lớn cũng như các lợi thế trong thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, làm tiền đề và động lực để kinh tế - xã hội của Tỉnh “cất cánh”.
Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song với chủ trương, quan điểm, định hướng đúng đắn, sát thực tiễn, cùng sự năng động, sáng tạo, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, của nhân dân, sự ủng hộ của Trung ương, của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, đến nay, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai đạt nhiều kết quả quan trọng, tích cực.
Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong 3 năm 2016 - 2018 được duy trì ở mức khá cao và tương đối ổn định, bình quân tăng 10,1%/năm. GRDP bình quân đầu người tăng từ 43,7 triệu đồng năm 2015 lên 61,84 triệu đồng năm 2018, ngang với mức bình quân của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp, thủy sản giảm từ 16,3% năm 2015 xuống còn 13,07% năm 2018; tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 43,7% năm 2015 lên 44,29% năm 2018; tỷ trọng ngành dịch vụ tăng từ 40% năm 2015 lên 42,64% năm 2018. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng nhanh, năm 2018 đạt 8.368 tỷ đồng, bằng 148,3% so với tổng dự toán Chính phủ giao, tăng 51,9% so năm 2015.
Nông nghiệp nông thôn tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo vệ môi trường; công nghiệp tạo ra sức đột phá lớn, là một trong những trung tâm công nghiệp, hóa chất lớn của cả nước; đô thị và kết cấu hạ tầng có bước phát triển vượt bậc; bản sắc văn hóa các dân tộc được giữ gìn; chất lượng giáo dục, y tế, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được nâng cao. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Đối ngoại tiếp tục mở rộng, đi vào chiều sâu.
Nhân tố hết sức quan trọng góp phần giúp Lào Cai đạt được những kết quả khả quan như trên đó là Tỉnh đã làm tốt công tác thu hút đầu tư, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội toàn diện. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 3 năm 2016 - 2018 đạt gần 100.000 tỷ đồng, tăng bình quân 20%/năm; trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm 20% (1 đồng vốn ngân sách nhà nước thu hút được gần 6 đồng vốn ngoài ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển).
Trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai xác định công tác thu hút đầu tư vẫn là vấn đề mấu chốt quyết định tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Trong tháng 7/2019, tỉnh Lào Cai đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch. Tại Hội nghị, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ và đại diện các cơ quan trung ương, tỉnh Lào Cai đã ký kết thỏa thuận đầu tư với 10 doanh nghiệp lớn với tổng vốn đầu tư cam kết triển khai giai đoạn 2019 - 2025 đạt 121.720 tỷ đồng. Đây là các dự án lớn, quan trọng, khi đi vào triển khai thực hiện sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển toàn diện.
Thưa ông, Lào Cai có lợi thế lớn về du lịch, công nghiệp khai khoáng và kinh tế cửa khẩu. 3 mũi nhọn này đã được Tỉnh chú trọng khai thác và thu hút đầu tư ra sao?
Thời gian qua, để đạt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, tỉnh Lào Cai đã triển khai nhiều giải pháp mang tính tổng thể, đồng bộ, chiến lược nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về du lịch, công nghiệp khai khoáng và kinh tế cửa khẩu.
Về phát triển du lịch, do đặc thù địa hình nên một số vùng của Lào Cai như Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát... có khí hậu ôn đới, mát mẻ. Ngoài ra, Lào Cai còn sở hữu nhiều di sản văn hóa phi vật thể, vật thể như có dãy núi Hoàng Liên với đỉnh Phanxipang cao 3.143 m (được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương). Đây là những thế mạnh rất đặc thù, thuận lợi cho phát triển du lịch. Để du lịch trở thành ngành kinh tế đột phá, thời gian qua, Lào Cai đã tích cực tháo gỡ, giải quyết các điểm nghẽn phát triển du lịch, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Kể từ năm 2014, khi tuyến đường bộ cao tốc Nội Bài - Lào Cai được hoàn thành, tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai được nâng cấp, các sản phẩm du lịch được phát triển mới, đa dạng, chất lượng dịch vụ du lịch được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách. Lượng khách du lịch đến Lào Cai tăng trưởng đều qua các năm với tốc độ bình quân 22%/năm.
Bên cạnh đó, để tìm ra phương án tối ưu vừa phát triển đô thị Sa Pa, song vẫn đảm bảo tính nguyên trạng, giữ gìn được nét văn hóa đặc trưng, phát triển lâu dài, bền vững, tỉnh Lào Cai đã tích cực vận động, đề xuất Trung ương cho phép thành lập thị xã Sa Pa. Ngày 11/9/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua việc thành lập thị xã Sa Pa. Đây được xác định là một trong những giải pháp hết sức quan trọng, cấp bách để tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quản lý về du lịch, hạ tầng đô thị, dịch vụ công cộng... nhằm tạo động lực phát triển mới đối với Sa Pa hiện nay và tương lai.
Về phát triển công nghiệp khai khoáng, Lào Cai sở hữu trên 35 loại khoáng sản, có những loại trữ lượng lớn như: Apatit trữ lượng trên 2,5 tỷ tấn, sắt trên 120 triệu tấn, đồng trên 100 triệu tấn… Xác định đây là những tài nguyên vô giá của quốc gia, do đó việc thu hút đầu tư lĩnh vực sản xuất công nghiệp khai khoáng được Tỉnh đặc biệt chú trọng, ưu tiên, khuyến khích các nhà đầu tư tập trung triển khai thực hiện các dự án chế biến sâu khoáng sản. Đến nay, nhiều dự án lớn, quan trọng đã được triển khai, hoạt động trên địa bàn Tỉnh như: Nhà máy luyện đồng công suất 10.000 tấn/năm; Nhà máy Phân bón DAP số 2 Lào Cai công suất 330.000 tấn/năm; Nhà máy Gang thép Lào Cai công suất 1.000.000 tấn/năm; 20 nhà máy chế biến phân bón, hóa chất các loại; Nhà máy sản xuất dây điện và cáp điện công nghệ cao…
Là một tỉnh biên giới sở hữu Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, để tạo điều kiện phát huy vai trò “cầu nối” trên tuyến hành lang kinh tế Côn Hà Hải (Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng), thúc đẩy phát triển kinh tế biên mậu, đưa Khu kinh tế cửa khẩu (KTCK) Lào Cai trở thành trung tâm giao thương quốc tế giữa thị trường Tây Nam Trung Quốc với Việt Nam, với ASEAN, tỉnh Lào Cai đã huy động nhiều nguồn lực để phát triển, đầu tư Khu KTCK Lào Cai ngày càng khang trang. Trong giai đoạn 2016 - 2018, tổng vốn đầu tư cho Khu KTCK Lào Cai đạt 1.915,5 tỷ đồng, gồm: 415,5 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước thực hiện mục tiêu nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng Khu kinh tế, 1.500 tỷ đồng vốn đầu tư của các doanh nghiệp. Qua đó, kết cấu hạ tầng Khu KTCK Lào Cai ngày càng hoàn thiện, từ hạ tầng kho bãi cửa khẩu, hệ thống chợ, đến khách sạn, nhà hàng..., đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ xuất nhập khẩu, du lịch.
Lào Cai là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thứ 2 trong số các tỉnh miền núi phía Bắc. Để duy trì nhịp độ tăng trưởng, nhu cầu vốn đầu tư các dự án hạ tầng là rất lớn, ngân sách của địa phương khó đáp ứng đủ, vậy cách làm của Tỉnh là gì?
Ngay từ rất sớm, tỉnh Lào Cai đã đặc biệt quan tâm thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) để kết hợp nguồn lực của Tỉnh với các thành phần kinh tế ưu tiên thực hiện các dự án lớn, có tính ảnh hưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Hiện tại, một số dự án đầu tư theo hình thức PPP về hạ tầng giao thông, phát triển đô thị trên địa bàn đang được thực hiện như Dự án Đường nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến thị trấn Sa Pa với tổng vốn đầu tư 2.510 tỷ đồng… Thời gian tới, bám sát các quy định pháp luật liên quan về PPP, Lào Cai sẽ tiếp tục tập trung xây dựng, thu hút các dự án PPP về hạ tầng lớn để huy động nguồn lực phát triển như: Dự án Cảng hàng không Sa Pa, Dự án Trung tâm logistics quốc tế… Ngoài ra, Tỉnh cũng dự kiến nghiên cứu, mở rộng thu hút đầu tư PPP về lĩnh vực phát triển năng lượng và các lĩnh vực khác phù hợp với điều kiện, thực tiễn của địa phương.
Trân trọng cảm ơn ông!