Doanh nghiệp phân bón thắng lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón đã công bố kết quả kinh doanh năm 2022 với mức tăng trưởng cao so với năm 2021. Có những doanh nghiệp đã ghi nhận các chỉ tiêu tài chính kỷ lục kể từ khi hoạt động.
Năm 2022, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí PVFCCO đạt mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục kể từ khi hoạt động. Ảnh: Tiên Giang
Năm 2022, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí PVFCCO đạt mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục kể từ khi hoạt động. Ảnh: Tiên Giang

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2022 với nhiều kết quả tích cực. Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế ước đạt 61.057 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2021. Lợi nhuận cộng hợp toàn Tập đoàn ước đạt 6.023 tỷ đồng, tăng 3.890 tỷ đồng so với thực hiện năm 2021.

Đóng góp lớn cho thành tích của Vinachem là các công ty sản xuất, kinh doanh phân bón. Đơn cử như lợi nhuận của Công ty CP Phân bón miền Nam tăng 51% so với thực hiện năm 2021, Công ty CP DAP - Vinachem tăng 97%, Công ty CP Phân lân Ninh Bình tăng 87%, Công ty CP Phân bón và Hóa chất Cần Thơ tăng 81%, Công ty CP Phân lân Văn Điển tăng 38%, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tăng 20%.

Vinachem cho biết, giá phân bón thế giới trong năm 2022 tăng cao tại tất cả các thị trường (phân DAP lên tới 1.000 USD/tấn, đạm urê 900 USD/tấn tại khu vực châu Á) nên giá các loại phân bón trong nước cũng tăng theo... Theo đó, giá một số sản phẩm phân bón chủ lực của Vinachem (urê, DAP, NPK…) giữ ổn định ở mức cao là điều kiện cho ngành sản xuất phân bón trong nước tiếp tục phát triển, mang lại hiệu quả cao.

Ngoài các đơn vị thuộc Vinachem, các doanh nghiệp khác như Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (gọi tắt là Phân bón Cà Mau) và Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí PVFCCO (gọi tắt là Phân bón Phú Mỹ) cũng ghi nhận con số kinh doanh kỷ lục kể từ khi hoạt động.

Năm 2022, Phân bón Phú Mỹ đạt các chỉ tiêu tài chính kỷ lục trong lịch sử hoạt động với doanh thu gần 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 6.400 tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2021. Phân bón Cà Mau ghi nhận tổng doanh thu năm 2022 đạt hơn 15.000 tỷ đồng - con số cao nhất kể từ khi hoạt động. Sản lượng sản xuất urê quy đổi ước đạt 914,38 nghìn tấn; sản lượng tiêu thụ urê ước đạt 820,57 nghìn tấn. Nhà máy Đạm Cà Mau cán mốc sản lượng 9 triệu tấn urê.

Động lực tăng trưởng của doanh nghiệp phân bón chủ yếu đến từ 9 tháng đầu năm. Từ quý IV/2022, tình hình kinh doanh bắt đầu suy giảm. Phân bón Phú Mỹ ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý IV/2022 giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2021, còn 1.031 tỷ đồng. Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao chỉ đạt 17 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế quý IV/2022, chưa bằng một nửa con số 44,5 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021.

Báo cáo mới đây của Công ty CP Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho biết, khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế, nước này có thể khôi phục sản lượng sản xuất và gỡ bỏ các hạn chế về xuất khẩu, qua đó khiến giá phân bón tiếp tục hạ nhiệt trong năm 2023. Trung Quốc vốn là nhà sản xuất và xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới. Việc nước này cắt giảm sản lượng và hạn chế xuất khẩu trong 2 năm qua đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ. Những thuận lợi này có thể sẽ mất đi nếu Trung Quốc khôi phục lại sản lượng. Vì vậy, Agriseco nhận định, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp phân bón có thể sẽ đi lùi trong năm 2023, do giá phân bón tiếp tục hạ nhiệt và suy giảm hoạt động xuất khẩu.

Hiệp hội Phân bón thế giới (IFA) đưa ra 3 kịch bản về thị trường phân bón, gồm: kịch bản lạc quan, kịch bản bi quan và kịch bản trung bình. Theo kịch bản bi quan của IFA, nhu cầu phân bón toàn cầu sẽ giảm vào năm 2023 và đạt 194,6 triệu tấn vào năm 2026, nghĩa là nhiều hơn 2 triệu tấn so với năm 2019, nhưng thấp hơn 9 triệu tấn so với năm 2020. Theo kịch bản trung bình, nhu cầu phân bón thế giới ở mức 202,1 triệu tấn vào năm 2026. Với kịch bản lạc quan, nhu cầu phân bón toàn cầu sẽ đạt 211,1 triệu tấn vào năm 2026.

Chuyên đề