Một trong những khuyến nghị khi sửa Luật Đấu thầu là cần chú trọng công tác giám sát, quản lý thực hiện hợp đồng sau đấu thầu để đảm bảo chất lượng công trình. Ảnh: Tường Lâm |
Một trong những kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp (DN) đối với việc sửa Luật Đấu thầu là sẽ tăng cơ hội tham gia hơn nữa cho nhiều nhà thầu.
Doanh nghiệp còn ít quan tâm đấu thầu mua sắm công
Báo cáo kết quả khảo sát về đấu thầu mua sắm công (MSC) từ góc nhìn DN của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) và Cơ quan Phát triển quốc tế Australia phối hợp thực hiện (lồng ghép vào khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI 2021) cho thấy, trong số 9.221 DN tham gia khảo sát, tỷ lệ DN cho biết họ “không tham gia” hoặc “không biết” lần lượt là 62% và 23%.
Phản ánh về việc thực hiện thủ tục đấu thầu MSC tại địa phương, 41,5% DN tham gia đấu thầu trong 2 năm qua cho rằng họ gặp nhiều khó khăn khi tham gia hoạt động đấu thầu tại địa phương như: thời gian chuẩn bị nộp hồ sơ dự thầu quá ngắn (17%), điều kiện thực hiện hợp đồng quá khó (15,1%), tiêu chuẩn về năng lực và kinh nghiệm nhà thầu khó bất thường (13,9%), tiêu chí phụ không thỏa đáng (11,4%)...
Tình trạng DN chi trả chi phí ngoài quy định, chi “hoa hồng” để tăng khả năng trúng thầu là khá phổ biến. Khoảng 34,4% DN cho biết họ sẵn sàng chi trả chi phí ngoài quy định để tăng khả năng trúng thầu. Đáng chú ý, kết quả khảo sát năm 2021 cho thấy, 25,5% DN cho biết có chủ động chi trả chi phí không chính thức khi tham gia đấu thầu; khoảng 10,3% DN cho biết là cán bộ phụ trách đấu thầu của bên mời thầu, chủ đầu tư đưa ra gợi ý để giúp DN trúng thầu. 58,9% DN khẳng định việc chi trả chi phí không chính thức là “luật bất thành văn” mà DN phải tự hiểu khi tham gia đấu thầu. Ngược lại, hơn một nửa số DN cho rằng họ bị đối xử thiếu công bằng so với các bên tham gia. Tỷ lệ DN sẵn sàng chi trả chi phí ngoài quy định tại các đơn vị mời thầu là cơ sở y tế cao hơn các cơ quan khác.
Trong khi đó, đa số DN bày tỏ là họ vẫn còn e dè khi kiến nghị xem xét lại kết quả LCNT, khiếu nại, tố cáo… Một trong những nguyên nhân là việc kiến nghị phức tạp, tốn kém chi phí và công sức so với lợi ích thu lại, lo ngại bị đối xử bất công trong tương lai, hay chưa tin tưởng vào cơ chế giải quyết kiến nghị của bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền và xử lý tố cáo của cơ quan quản lý nhà nước.
Tạo niềm tin cho DN
Để tạo niềm tin cho các DN tham gia nhiều hơn vào thị trường MSC, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI, đại diện Nhóm nghiên cứu khuyến nghị, cần sửa đổi Luật Đấu thầu theo hướng nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động MSC thông qua việc tăng cường sử dụng các hình thức đấu thầu: đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh, công khai kết quả LCNT và hợp đồng, kết hợp sử dụng tối đa và tối ưu công nghệ thông tin trong các hoạt động tổ chức và quản lý đấu thầu.
Bên cạnh đó, Nhóm nghiên cứu còn đề xuất thiết lập các cơ chế giải quyết kiến nghị hiệu quả để bảo vệ các nhà thầu bị đối xử không công bằng.
Từ kinh nghiệm quốc tế, ông Đào Khánh Tùng - chuyên gia đấu thầu của UNDP đề xuất, cần tách biệt, phân định rạch ròi và đảm bảo tính độc lập đối với việc ra quyết định của các bên có liên quan như người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu, tổ chuyên gia đấu thầu, hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị trong đấu thầu. Vụ án Công ty Nhật Cường hay các vụ án trong lĩnh vực y tế gần đây cho thấy có sự chi phối của cấp trên, hay một mối quan hệ nào đó trong chuỗi mắt xích đấu thầu đã làm thay đổi, sai lệch kết quả LCNT, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Mặt khác, theo ông Tùng, cần yêu cầu các bên liên quan phải cam kết tuân thủ chuẩn mực đạo đức trong hoạt động đấu thầu. Thực tế, trước khi tham gia bất kỳ một gói thầu/dự án nào của UNDP hay Ngân hàng Thế giới thì các bên đều phải ký bản cam kết tuân thủ đúng chuẩn mực đạo đức trong đấu thầu. Điều này giúp cảnh báo sớm, giáo dục, răn đe để phòng ngừa những hành vi gian lận, cản trở, tham nhũng, hối lộ…
PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, cần đổi mới bộ tiêu chí LCNT, trong đó coi trọng yếu tố con người để đánh giá năng lực cụ thể, thay vì chỉ dựa vào số năm kinh nghiệm để đánh giá. Đồng thời chú trọng công tác giám sát, quản lý thực hiện hợp đồng sau đấu thầu, tránh tình trạng hồ sơ dự thầu kê khai một đằng, thực hiện một nẻo, ảnh hưởng tới chất lượng công trình, sản phẩm không tương xứng với đồng vốn ngân sách bỏ ra, đảm bảo công bằng với các nhà thầu khác.