Doanh nghiệp “hụt hơi” khi giao dịch với... lãnh đạo

(BĐT) - Sau khoản lỗ 1.336 tỷ đồng năm 2015 theo báo cáo kiểm toán, trong một văn bản giải trình, Công ty CP Thiết bị y tế Việt Nhật (JV JSC - mã chứng khoán JVC) cho biết, Công ty đã trích lập dự phòng thêm cho các khoản công nợ phải thu, trả trước cho người bán và các khoản phải thu khác...
Công ty CP Tập đoàn Đại Dương đang vướng khoản phải thu hơn 628 tỷ đồng đối với cá nhân ông Hà Trọng Nam, hiện là thành viên HĐQT Công ty. Ảnh: Hoài Thanh
Công ty CP Tập đoàn Đại Dương đang vướng khoản phải thu hơn 628 tỷ đồng đối với cá nhân ông Hà Trọng Nam, hiện là thành viên HĐQT Công ty. Ảnh: Hoài Thanh

Đa số các khoản công nợ phải thu khó đòi này liên quan đến các giao dịch với các công ty có liên quan đến các lãnh đạo tiền nhiệm. 

Vướng nợ khó thu với chính lãnh đạo

Đáng chú ý trong các khoản mục phản ánh kết quả kinh doanh của JVC là chi phí quản lý lên tới 1.159 tỷ đồng, nguyên nhân chính khiến Công ty lỗ sâu đến vậy. Ngoài ra, JV JSC đã phải trích lập dự phòng các khoản nợ phải thu của Công ty liên quan đến cựu lãnh đạo lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Vụ việc của JV JSC lại một lần nữa cảnh báo doanh nghiệp về các khoản vay, tạm ứng hay giao dịch nói chung, liên quan đến cá nhân các lãnh đạo.

Một trường hợp khác, Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group - mã chứng khoán OGC) cho đến nay vẫn còn vướng khoản phải thu hơn 628 tỷ đồng đối với cá nhân ông Hà Trọng Nam, hiện là thành viên HĐQT Công ty. Năm 2015, Công ty đã trích lập dự phòng 100% đối với các khoản phải thu. Đáng chú ý, trong 628 tỷ đồng nói trên, chỉ có 128 tỷ đồng là phải thu ngắn hạn, còn 500 tỷ đồng được xếp là khoản phải thu dài hạn, trong vòng 3 năm kể từ tháng 6/2015. Chưa đến kỳ hạn thanh toán, nhưng doanh nghiệp này đã nhanh chóng trích dự phòng toàn bộ. Trong tình huống lạc quan, sau 3 năm nữa, khi ông Hà Trọng Nam hoàn trả lại toàn bộ khoản vay theo đúng cam kết, cả gốc lẫn lãi, Ocean Group sẽ được ghi nhận khoản hoàn nhập với giá trị tương đương.

Tuy nhiên, một kiểm toán viên cho biết, theo nguyên tắc thận trọng, khi doanh nghiệp nhận thấy các dấu hiệu khó có khả năng thu hồi nợ, họ sẽ trích lập dự phòng mà không cần các khoản nợ phải tới hạn. Khả năng thu hồi hàng trăm tỷ đồng từ ông Hà Trọng Nam, vì vậy cũng phải đặt dấu hỏi.

Lãnh đạo hào phóng, có đáng mừng?

Câu hỏi đặt ra là, với các khoản nợ phải thu, doanh nghiệp đòi hỏi sự cẩn trọng, khi có khả năng thua lỗ từ chính những khoản mục đó. Vậy các khoản vay từ lãnh đạo thì sao?

Trên thực tế, không ít lãnh đạo đã xông xênh rút hầu bao cho chính doanh nghiệp của mình vay tiền, hỗ trợ hoạt động kinh doanh. Tâm huyết của lãnh đạo doanh nghiệp vì vậy rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, có vay thì có trả, đằng sau các khoản vay là rất nhiều câu chuyện.

Minh bạch là điều cần thiết nhất đối với các giao dịch kinh doanh. Với các giao dịch liên quan đến cá nhân, đặc biệt là lãnh đạo hoặc người nhà của lãnh đạo doanh nghiệp, yêu cầu về sự minh bạch lại cần tăng lên gấp bội.
Bà Nguyễn Thị Như Loan được biết đến với vai trò người sáng lập đồng thời là bà chủ quyền lực của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai. Tuy nhiên, sau khi công ty này niêm yết, tỷ lệ sở hữu của bà Loan cũng như những người trong gia đình bị phân tán ít nhiều.  Tình thế không quá khó xoay chuyển khi bà Loan và con gái là Nguyễn Ngọc Huyền My đã cho chính công ty của mình vay dưới hình thức nhận tạm ứng hàng trăm tỷ đồng. Thông qua hình thức phát hành cổ phiếu cấn trừ công nợ, bà Loan và con gái với vai trò chủ nợ của Công ty đã nhận về tổng cộng 80,3 triệu CP và trở thành cổ đông lớn nhất vào cuối năm 2014. Hai nhân vật chủ chốt này đã nắm trong tay trên 51% vốn điều lệ Công ty, hoàn toàn yên tâm trước những “âm mưu” thâu tóm trên thị trường.

Trao đổi với báo chí bên lề một cuộc họp, bà Loan cho biết, với vai trò là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai, cá nhân bà không quan tâm đến biến động giá cổ phiếu QCG. Có được trạng thái “tỉnh” đến vậy, chắc chắn nhờ vào tiếng nói quyết định của cá nhân bà Loan đối với toàn bộ hoạt động của Công ty.

Một trường hợp hy hữu hơn trên thị trường là khoản vay hàng chục tỷ đồng của Công ty CP Thuận Thảo đối với bà Chủ tịch HĐQT là bà Võ Thị Thanh. Cuối năm 2013, bà Thanh tuyên bố xóa nợ vay tới 80 tỷ đồng cho Công ty. Khoản này được ghi nhận vào thu nhập khác, giúp Thuận Thảo thoát lỗ năm 2013 (theo báo cáo kiểm toán). Chưa hết, năm 2014, trong báo cáo tự lập, Thuận Thảo lại cho biết bà Thanh tiếp tục xóa nợ 24,66 tỷ đồng cho Công ty.

Tuy nhiên, tại báo cáo kiểm toán năm 2014, khoản xóa nợ này đã không được ghi nhận, Công ty bất ngờ lỗ 187 tỷ đồng và vẫn còn nợ bà Thanh tổng cộng hơn 67 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2015, số tiền Thuận Thảo nợ bà Thanh còn 58 tỷ đồng. Công ty đồng thời “vướng” một khoản phải thu 30 tỷ đồng với cá nhân này, là số tiền Công ty trả trước tiền mua một mảnh đất tại TP.HCM.

Hiện tình hình kinh doanh của Thuận Thảo không mấy khả quan. Sau 2 khoản lỗ khủng năm 2014 và 2015, cổ phiếu GTT của Thuận Thảo hiện đang bị đưa vào diện kiểm soát, mức giá giao dịch trên thị trường UpCOM chỉ ở mức 500 đồng/CP. Tình hình rối ren với các khoản công nợ chằng chịt liên quan đến các cá nhân là điều khiến người ta e dè.

Suy cho cùng, minh bạch là điều cần thiết nhất đối với các giao dịch kinh doanh. Với các giao dịch liên quan đến cá nhân, đặc biệt là lãnh đạo hoặc người nhà của lãnh đạo doanh nghiệp, yêu cầu về sự minh bạch lại cần tăng lên gấp bội. Khi quyết định đầu tư vào một công ty, bên cạnh các chỉ số tài chính, nhà đầu tư không nên quên kiểm tra những thương vụ mang bóng dáng cá nhân như vậy.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư