Doanh nghiệp bị “tắc” bởi hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiện các dự án và doanh nghiệp đầu tư bất động sản (DN) đang chịu sự điều chỉnh của 12 luật và hàng trăm văn bản hướng dẫn nên sự chồng chéo là khó tránh khỏi. Do vậy, DN mong muốn các văn bản pháp lý ra đời sau sẽ gỡ khó, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động của mình. Tuy nhiên, mong muốn đó không phải lúc nào cũng được đáp ứng, một số văn bản mới được ban hành và áp dụng gần đây lại có nội dung khó khăn hơn cho DN.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Bất động sản Toàn cầu (GP INVEST)

Ông Nguyễn Quốc Hiệp,

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Bất động sản Toàn cầu (GP INVEST)

Đơn cử, Nghị định số 30/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở vừa có hiệu lực quy định, chỉ cho DN làm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị khi có quyền sử dụng đất ở (có 100% đất ở) hoặc đã có đất ở hoặc có đất khác nhưng “dính” với đất ở. Đồng thời, không quy định thủ tục lựa chọn chủ đầu tư đối với các trường hợp chỉ có quyền sử dụng đất là đất nông nghiệp hoặc đất phi nông nghiệp (không phải đất ở).

Quy định này sẽ tiếp tục gây “ách tắc” cho rất nhiều dự án. Bởi hiện đa số các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị đều được thực hiện chuyển đổi từ đất nông nghiệp, phi nông nghiệp, đất sản xuất, kinh doanh; rất ít dự án có “dính” tới đất ở. Bản thân CP Đầu tư Bất động sản Toàn cầu (GP INVEST cũng có một dự án bị vướng bởi nguyên nhân này.

Ngoài ra, một vấn đề bức xúc khác là khâu giải phóng mặt bằng (GPMB). Trong khi Luật Đất đai chưa có quy định cụ thể, chính quyền địa phương nhiều nơi thiếu trách nhiệm trong vấn đề GPMB, DN phải tự đi thỏa thuận với người dân, thậm chí có dự án không thể GPMB.

Trong thời gian tới, DN mong mỏi Luật Đất đai sớm được sửa đổi. Trong quá trình biên soạn, rất mong các cơ quan soạn thảo lắng nghe ý kiến đề xuất, góp ý của các DN để Luật thực sự phù hợp với thực tiễn.

Chuyên đề