Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet |
Việc đánh giá hiệu quả hoạt động, khó khăn, vướng mắc và những vấn đề cần quan tâm của doanh nghiệp trong năm 2022, tập trung vào môi trường đầu tư - kinh doanh, xây dựng hệ thống pháp luật sẽ giúp Quốc hội xem xét đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 tại Kỳ họp thứ 4 tới đây, bảo đảm sát thực hơn; đồng thời, các cơ quan của Quốc hội ghi nhận các thông tin, phục vụ tốt hơn nữa cho công tác làm luật.
“Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng mạnh (trong 7 tháng đầu năm 2022, tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 94,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 13,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường). Đây là vấn đề cần tiếp tục được quan tâm, đòi hỏi cả phía Nhà nước và doanh nghiệp cần thay đổi cách tiếp cận vấn đề, có thể là cả điều chỉnh chiến lược và chính sách để giảm thiểu, khắc phục và vượt qua được các khó khăn hiện nay”, ông Hải quan tâm.
Tại Buổi làm việc, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho biết, cộng đồng doanh nghiệp rất vui mừng khi Quốc hội đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 vào đầu năm nay về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây được xem làm là chính sách quan trọng hỗ trợ doan nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19, cùng với đó là các văn bản triển khai của Chính phủ như Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Tuy nhiên, theo ông Công, trong quá trình phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh thời gian qua, doanh nghiệp còn tiếp tục phản ánh về tình trạng doanh nghiệp khó nhận được hỗ trợ từ những chính sách trên, do thủ tục phức tạp. Ví dụ như thiết kế điều kiện để vay vốn từ các nguồn ưu đãi dường như chưa phù hợp với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đồng thời, để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, VCCI kiến nghị Nhà nước khẩn trương nghiên cứu phương án giảm tiền điện; giảm thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu; giảm mức thuế suất ưu đãi thuế nhập khẩu xăng dầu từ 10% xuống 8% nhưng có thời hạn (có thể là trong năm 2022)…
Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại, mâu thuẫn, chồng chéo giữa một số văn bản pháp luật về đầu tư kinh doanh, tạo ra “điểm nghẽn” trong hoạt động đầu tư. Một số dự thảo luật quan trọng, có tác động lớn đến hoạt động đầu tư kinh doanh đang được soạn thảo như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… là cơ hội tốt để nhìn hệ thống pháp luật kinh doanh một cách tổng thể, khắc phục được những mâu thuẫn, chồng chéo đang tồn tại ở pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, quá trình xây dựng các dự thảo cần tiếp tục tham vấn rộng rãi, công khai với cộng đồng doanh nghiệp và hoạt động tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý cần được minh bạch để tạo niềm tin cho cộng đồng kinh doanh.