Ảnh Internet |
Sau đợt kiểm tra đột xuất không báo trước vào ngày 20 và 21/10 về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tại một số ngân hàng trên địa bàn TPHCM, đồng thời gặp gỡ một số DN ở đây, đoàn kiểm tra do Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú chủ trì đã ghi nhận nhiều thông tin phản hồi đáng chú ý.
Lãi suất cao/thấp chút ít không quan trọng bằng thời giờ giải quyết TTHC
Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN, đoàn đã trực tiếp kiểm tra công tác cải cách TTHC đối với các tổ chức tín dụng (TCTD), trong đó, trọng tâm là các TTHC giữa ngân hàng thương mại (NHTM) với DN.
Với trọng trách nắm giữ huyết mạch của nền kinh tế, nỗ lực cải cách TTHC của ngành ngân hàng có thể trực tiếp góp phần cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng của DN.
Theo NHNN, TTHC có nhanh gọn thì mới giảm được tốn kém, lãng phí.
Trong thời gian kiểm tra, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng cần khẩn trương hơn, minh bạch hóa hơn nữa công tác cấp phép đối với các ngân hàng trong mở rộng mạng lưới hay phát triển nghiệp vụ. “Được thì nói được, không được thì nói không được, đừng có được lại nói là không, xong một hồi lại nói được là không ổn, ông Đào Minh Tú nói.
Những thông tin phản hồi từ DN về đợt kiểm tra đột xuất này cho thấy lãi suất dường như không còn là mối quan tâm hàng đầu của đa số DN vào lúc này. Thay vào đó, cải cách TTHC đang là vấn đề “át chủ bài” để các DN thiết lập và gìn giữ mối quan hệ với nhà cho vay.
Bà Hoàng Thu Hiền, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư và Xuất nhập khẩu Thu Hiền, khẳng định lãi suất phải trả dù có hơn kém nhau chút ít giữa các ngân hàng cũng không phải là điều quá quan trọng với DN. Thay vào đó, DN ngày nay rất quan tâm đến các yếu tố dịch vụ như: Thời gian xử lý hồ sơ, khả năng hỗ trợ DN hoàn thành chứng từ, nghiệp vụ xuất nhập khẩu, tư vấn…
Dẫn chứng từ chính trường hợp xin vay vốn của DN mình, ông Nguyễn Bá Tiến, Giám đốc Công ty Xuân Tiến, kể rằng DN của ông đành phải đổi ngân hàng đối tác vì thời gian giải ngân dự kiến từ 2 ngày đã bị trì hoãn đến gần 2 tháng. Trong khi đó, tại ngân hàng mới, DN chỉ mất 7 ngày để có được khoản giải ngân trên.
Tương tự, ông Trương Quang Vũ, Giám đốc Tài chính Công ty Xuất nhập khẩu Cát Tường cho hay sau nhiều năm duy trì quan hệ tín dụng với các ngân hàng khác nhau, cuối cùng DN này đã chọn dừng chân với một nhà cho vay “thạo việc” nhất.
Tuy nhiên mong mỏi chung của các DN khi bất ngờ được đoàn kiểm tra hỏi đến vẫn là “NHNN hãy tiếp tục chỉ đạo cải cách hành chính sâu rộng hơn nữa để nguồn vốn đến với DN dễ dàng hơn. Chúng tôi cần vốn của ngân hàng thật, nhưng quan trọng là xét duyệt hồ sơ cho vay phải nhanh chóng, xét duyệt mất 1-2 tháng thì thời cơ kinh doanh qua mất rồi”, bà Hoàng Thu Hiền chia sẻ.
Cũng còn phải chờ… hiệp đồng, hiệp lực
DN thì mong muốn vậy thế nhưng ngân hàng đôi khi “lực bất tòng tâm”. Bởi rất nhiều TTHC trong ngành còn liên quan đến rất những cơ quan khác.
Bà Văn Thị Ánh Tuyết, Giám đốc VietinBank Đông Sài Gòn bộc bạch đăng ký sở hữu đất đai ở các cơ quan, ban ngành vẫn còn chậm; đăng ký giao dịch bảo đảm ở một số địa phương cũng chưa đáp ứng được mong muốn của DN, có khi 1 tuần, 10 ngày mới xong, như vậy mất cơ hội kinh doanh cho cả người đi vay lẫn ngân hàng”.
Ông Nguyễn Bá Ngọc, Phó Giám đốc OCB Chi nhánh TPHCM cũng cho hay dù nội bộ ngân hàng đã ban hành quy chuẩn về thời gian phục vụ cho từng nghiệp vụ để có cơ sở đánh giá kết quả cải cách TTHC nhưng đâu đó ngân hàng vẫn chưa nhận được sự đồng bộ về cải cách hành chính từ các sở ban ngành khác nên kết quả cải cách cũng bị hạn chế.
“Ví dụ với các giao dịch pháp lý liên quan đất đai, tài sản bảo đảm, liên quan đến Sở tư pháp, rồi Sở Tài nguyên môi trường, có khi phải chờ 5-6 ngày mới xong thủ tục”, ông Ngọc nhấn mạnh.
Từ phía Cục Thanh tra giám sát NHNN (Cục II), Cục trưởng Nguyễn Văn Dũng còn cho thấy một góc khuất khác khi các ngân hàng thương mại thực thi các kiến nghị - kết luận của cơ quan thanh tra.
Theo đó, dù các kết luận thanh tra đều có quy định thời gian thực hiện (3 tháng, 6 tháng, 9 tháng), nhưng trong rất nhiều trường hợp, NHTM không thể kịp thời thu hồi công nợ đối với những DN đang vướng vào tranh chấp, đang thi hành án, đang bị khởi kiện, đã bỏ trốn, gặp khó khăn tài chính hay chủ DN đã mất… Thế là TCTD ấy rất có thể sẽ bị phạt hành chính, bị hạn chế phát triển nghiệp vụ, hạn chế mở rộng mạng lưới…
Vì vậy, theo đại diện Cục Thanh tra giám sát NHNN, các ngân hàng hiện đang cần được phép linh động theo dõi, xử lý tồn tại với các nhóm khách hàng trên, chỉ cần không để thất thoát tài sản, đến khi nào thu hồi xong thì báo cáo.
Như vậy có thể thấy thành công của ngành ngân hàng không chỉ được quyết định từ nỗ lực tự thân của chính ngành ngân hàng.