Ảnh minh họa: Internet |
Bên thẩm định giá chịu trách nhiệm chính
Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các doanh nghiệp thẩm định giá hướng dẫn thực hiện đúng các quy định về thẩm định giá doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo đó, trong quá trình thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, ngoài việc áp dụng phương pháp tài sản quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017, các đơn vị tư vấn cần phải áp dụng các phương pháp khác quy định tại Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 về thẩm định giá trị doanh nghiệp ban hành kèm theo Thông tư số 122/2017/TT-BTC ngày 15/11/2017 để đảm bảo xác định được chính xác giá trị thị trường của doanh nghiệp nhà nước để cổ phần hóa.
Đối với xác định giá trị doanh nghiệp để thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước, Bộ Tài chính yêu cầu, thực hiện đúng theo các văn bản quy phạm pháp luật quy định về xác định giá trị phần vốn nhà nước phục vụ mục đích chuyển nhượng vốn nhà nước. Đó là, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; Nghị định số 32/2018/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành...
Đồng thời, trong quá trình thực hiện, các đơn vị tư vấn cần xác định lại giá trị doanh nghiệp, vận dụng Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 về thẩm định giá trị doanh nghiệp nêu trên, từ đó xác định được giá trị thị trường của phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Công văn cũng nêu rõ, người đại diện theo pháp luật, tổng giám đốc (giám đốc) các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thẩm định giá có trách nhiệm phổ biến nội dung nêu trên đến thẩm định viên về giá và cán bộ, nhân viên trong doanh nghiệp. Trách nhiệm chính đối với các sai sót, vi phạm trong công tác xác định giá trị doanh nghiệp nói chung thuộc về người đại diện theo pháp luật, tổng giám đốc (giám đốc) doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá thực hiện.
Làm sao để khỏi mắc oan?
Bình luận về trách nhiệm của bên thẩm định giá trong văn bản nêu trên, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam (VVA) nói: “Chắc chắn doanh nghiệp thẩm định giá phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không tuân thủ pháp luật về thẩm định giá, cố tình làm sai các phương pháp đã quy định. Điển hình của sai phạm này là doanh nghiệp thẩm định giá không đi khảo sát thực tế tài sản cần định giá mà tự bịa số liệu thì phải chịu trách nhiệm rất nặng nề”.
Tuy nhiên, vị Chủ tịch VVA nhấn mạnh, trong trường hợp doanh nghiệp cần thẩm định giá cung cấp số liệu sai, tự chế biến số liệu trước khi cung cấp cho doanh nghiệp thẩm định giá thì việc quy hoàn toàn trách nhiệm cho doanh nghiệp thẩm định giá là không thỏa đáng.
Thay vào đó, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ, trung thực của thông tin, số liệu đầu vào làm căn cứ để xác định giá trị doanh nghiệp.
Mục b, Khoản 5, Điều 10 của Luật Giá quy định về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá chỉ rõ hành vi: “Cung cấp không chính xác, không trung thực, không đầy đủ, không kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến tài sản cần thẩm định giá”.
“Do đó, để tránh bị kết tội oan và đủ chứng lý khi có tranh chấp, các bên tham gia trong quá trình thẩm định giá cần làm rõ trách nhiệm của từng bên trong từng phần việc tại hợp đồng ký kết”, ông Thỏa nói.
Quan sát chuyển động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, những vụ việc định giá doanh nghiệp nhà nước ở mức “trên trời” để cổ phần hóa trong thời gian qua cho thấy rõ mục tiêu trục lợi của nhóm lợi ích. Tuy nhiên, theo ông Hải, việc xác định sai sót và vi phạm cần căn cứ theo đúng quy định pháp luật, ai sai đến đâu thì chịu trách nhiệm đến đó.