Định danh hàng Việt

(BĐT) - Những ngày cuối cùng của năm 2019 kết thúc bằng tin vui đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đó là những đơn hàng xuất đi nước ngoài của các doanh nghiệp sản xuất ô tô. Đây là một dấu mốc quan trọng đánh dấu sự định vị của hàng Việt trên thị trường thế giới. Không chỉ xuất ngoại, ngay trên sân nhà nhiều sản phẩm, hàng hóa cũng đã tham gia vào các gói thầu mua sắm công. 
Công ty CP Ô tô Trường Hải vừa xuất khẩu sang Myanmar 120 xe du lịch Kia Cerato phiên bản Deluxe
Công ty CP Ô tô Trường Hải vừa xuất khẩu sang Myanmar 120 xe du lịch Kia Cerato phiên bản Deluxe

Từ ô tô xuất ngoại

Đầu tiên là câu chuyện Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO), đã xuất khẩu sang Myanmar 120 xe du lịch Kia Cerato phiên bản Deluxe được sản xuất tại Nhà máy ở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam. Xe du lịch Kia Cerato có các linh kiện nội địa hóa gồm: thân xe, ghế ngồi, dây điện, cửa, capô, cốp xe, ống xả, máy lạnh, thiết bị nghe nhìn, định vị và các chi tiết nhựa… với tỷ lệ nội địa hóa đạt trên 40%, được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi 0% tại Myanmar.

Tiếp đến, ngày 28/12, một lô 15 chiếc xe bus mang thương hiệu Thaco Bus đã được Trường Hải xuất khẩu sang Philippines. Mẫu xe bus này được thiết kế mới hoàn toàn, đã chạy thử nghiệm tại Philippines hơn 7 tháng, đạt tỷ lệ nội địa hoá trên 45%, gồm thân vỏ, khung xe, linh kiện cơ khí, hệ thống chiếu sáng, ghế, dây điện, kính... Xe sử dụng động cơ đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5.

Theo kế hoạch, năm 2020 Trường Hải sẽ xuất khẩu 1.026 ô tô các loại, gồm xe du lịch Kia Cerato sang Myanmar và xe du lịch Kia Sedona sang Thái Lan và Myanmar. Dự kiến lượng xe bus xuất khẩu sang thị trường Philippines sẽ tăng lên 200 xe.

Việc THACO xuất ngoại những chiếc xe đã góp phần truyền nhiều cảm hứng đến làn sóng đưa sản phẩm của doanh nghiệp Việt có mặt tại thị trường quốc tế, xuất hiện tại những gói thầu lớn.

Vingroup giữa năm 2019 đã hoàn thành giai đoạn 1 tổ hợp sản xuất ô tô VinFast tại Cát Hải, Hải Phòng, với công suất 250.000 xe/năm, tổng mức đầu tư 1,5 tỷ USD. Ngoài đáp ứng nhu cầu trong nước, Vingroup cũng hướng tới xuất khẩu ô tô sang khu vực ASEAN và thế giới. Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, cho biết, mục tiêu Tập đoàn hướng đến là từng bước đạt được tỷ lệ nội địa hóa 60%, làm chủ công nghệ, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực.

Theo Bộ Công Thương, có 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trên 10 tỷ USD, chiếm 70,34% tổng kim ngạch đều thuộc về nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, điện thoại các loại là mặt hàng có kim ngạch đạt cao nhất với 38,6 tỷ USD, tăng 5,1%. Một số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng khá cao nữa là máy vi tính tăng 16,9%; dệt may tăng 10,4%; giày dép tăng 13,5% và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 7,5%...

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.

Điểm sáng lớn nhất của xuất khẩu năm 2019 là sự giảm thiểu hàm lượng xuất khẩu thô và tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. 

... đến hàng Việt tham gia đấu thầu

Không chỉ xuất ngoại, nhiều mặt hàng Việt cũng khẳng định được vị thế trong nước khi tham gia nhiều hơn vào thị trường mua sắm công.

Không khó để nhận thấy pháp luật về đấu thầu đã tạo ra sân chơi cạnh tranh, minh bạch, rộng rãi cho doanh nghiệp (DN) trong mọi lĩnh vực, thành phần có thể tham gia vào thị trường mua sắm công. Bên cạnh đó, những chính sách ưu tiên hàng hóa sản xuất trong nước trong đấu thầu đã tạo đầu ra cho nhiều hàng hóa Việt, giúp DN Việt có cơ hội lớn lên.

Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 494/CTT-TTg ngày 20/4/2010 về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước (CT494); tiếp đó là nhiều chỉ thị đã được ban hành nhằm chấn chỉnh công tác quản lý đối với các gói thầu EPC; chấn chỉnh việc thực hiện hoạt động đấu thầu sử dụng vốn nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu.

Các nội dung về ưu đãi cho nhà thầu trong nước, hàng hóa và lao động trong nước theo tinh thần CT494 cũng được đưa vào Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (NĐ63). Những quy định này khuyến khích nhà thầu sử dụng hàng Việt Nam khi tham gia đấu thầu các gói thầu mua sắm hàng hóa; buộc nhà thầu ngoại phải san sẻ cơ hội cho nhà thầu nội khi tham gia thị trường mua sắm công tại Việt Nam, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ phần công việc nào của gói thầu. Kết quả là, nhiều mặt hàng như sắt thép, xi măng, nguyên vật liệu xây dựng, văn phòng phẩm… với giá trị lớn đã được các chủ đầu tư lựa chọn.

Một đơn cử từ địa phương, theo UBND tỉnh Kon Tum, trong 4 năm (2015 - 2019), UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương 167 dự án mua sắm tài sản công ưu tiên dùng hàng Việt với tổng vốn 23.720,8 tỷ đồng. Ngoài ra, thẩm định và phê duyệt 58 gói thầu mua sắm hàng hóa từ nguồn ngân sách, thực hiện mua sắm hàng hóa, máy móc thiết bị và sử dụng các loại vật tư xây dựng sản xuất trong nước với tổng số vốn hơn 77 tỷ đồng.

Đối với thuốc sản xuất trong nước được Bộ Y tế công bố đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp thì trong hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu (HSYC) phải quy định nhà thầu không được chào thuốc nhập khẩu.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong những năm qua, việc đốc thúc triển khai CT494, các quy định về ưu tiên hàng Việt trong đấu thầu luôn được chú trọng. Căn cứ yêu cầu thực tế, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành 2 chỉ thị là Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 4/4/2017 về việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước; Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước.

Theo nhiều nhà thầu, chính Luật Đấu thầu đã và đang là “bà đỡ” đúng nghĩa cho hàng Việt, cho những nhà sản xuất Việt có chỗ đứng khi đấu thầu. Đây là tiền đề mạnh mẽ để các sản phẩm Việt Nam thời gian qua như máy tính, sữa, thang máy, máy lạnh… đàng hoàng trúng thầu tại những gói thầu quy mô lớn.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư