Điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực Công Thương vẫn khó cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kết quả nghiên cứu, rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trong lĩnh vực Công Thương đối với 5 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố ngày 16/11 cho thấy, hầu hết các lĩnh vực được rà soát đều vẫn còn ĐKKD gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN).
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Đại diện nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM cho biết, nghiên cứu tập trung rà soát, đánh giá và phân tích một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực Công Thương là: Kinh doanh xăng dầu; Kinh doanh khí; Kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương; Xuất khẩu gạo; Hoạt động thương mại điện tử. Phạm vi nghiên cứu tại 4 địa phương, bao gồm: Quảng Ninh, Quảng Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM.

Theo ông Dương, đánh giá sơ bộ cho thấy, không ít ĐKKD hiện hành thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương đã có sự phù hợp và bảo đảm nhất quán. Năm 2020, Bộ Công Thương tiếp tục tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2020/NĐ-CP. Theo đó, Bộ Công Thương đã chủ động rà soát, cắt giảm mạnh ĐKKD, đặc biệt 205 ĐKKD đã được cắt giảm, đơn giản hoá tại Nghị định 17/2020/NĐ-CP so với đề xuất cắt giảm 202 ĐKKD.

Tuy vậy, các ĐKKD hiện hành vẫn tập trung vào các yêu cầu về cơ sở vật chất (kho, cầu cảng, bể chứa,…). Ví dụ như phổ biến là yêu cầu cụ thể về kho, cầu cảng đối với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, xuất khẩu gạo.

“Các ĐKKD này có vẻ như giúp sàng lọc các DN có năng lực. Tuy nhiên, việc có kho chứa đủ lớn có thể khác biệt so với dự trữ thực tế của DN. Trong khi đó, việc yêu cầu cụ thể về các cơ sở vật chất có thể làm tăng thời gian và chi phí tuân thủ cho DN”, ông Dương nhận xét.

Cụ thể, rà soát ĐKKD đối với việc pha chế xăng dầu thuộc ngành nghề kinh doanh xăng dầu, đại diện Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM cho rằng, vẫn còn quy định có thể làm tăng chi phí cho DN như quy định trong thời hạn 1 năm kể từ ngày được cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu thực hiện pha chế các sản phẩm xăng dầu phải có phòng thử nghiệm đủ năng lực để kiểm tra chất lượng xăng dầu theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. “Điều kiện này có thể làm tăng chi phí, trong khi các thương nhân có thể tận dụng phòng thử nghiệm của nhau (đi kèm với các quy định để tránh cạnh tranh không lành mạnh)”, ông Dương nhìn nhận.

Đối với ngành nghề kinh doanh thực phẩm, nghiên cứu cũng chỉ ra còn có những yêu cầu cứng nhắc, không cần thiết như điều kiện với cơ sở kinh doanh là thiết kế các khu vực kinh doanh thực phẩm, vệ sinh, thay đồ bảo hộ và các khu vực phụ trợ phải tách biệt, phù hợp với yêu cầu của từng loại thực phẩm kinh doanh, cửa nhà vệ sinh không được mở thông vào khu vực bảo quảnthực phẩm…

Đánh giá cao kết quả nghiên cứu, rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và ĐKKD lĩnh vực Công Thương, bà Nguyễn Thị Bích Hường - Chủ tịch Chi hội xăng dầu (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) cho rằng, liên quan đến ĐKKD lĩnh vực kinh doanh xăng dầu vẫn còn nhiều quy định gây rào cản cho DN, nhất là các DN nhỏ và vừa.

Điển hình như quy định cửa hàng/đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy hàng từ một nguồn để bảo vệ người quyền lợi tiêu dùng, đảm bảo chất lượng hàng hóa là rất vô lý. Bà Hường phân tích, đại lý bán lẻ xăng dầu là thương nhân bán hàng thì họ phải tuân theo quy định pháp luật về thương mại, chịu trách nhiệm với hàng hóa bán ra. Ngoài ra, quản lý về vấn đề chất lượng xăng dầu cũng có sự chồng chéo khi Bộ Khoa học và Công nghệ đã có thông tư hướng dẫn quản lý, đo lường chất lượng kinh doanh xăng dầu.

“Hay như một số quy định vô lý, bất cập khác như: cửa hàng bán lẻ xăng dầu chỉ được bán lẻ xăng dầu, không được bán buôn; cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải có đề án bảo vệ môi trường được lập và được UBND quận/huyện phê duyệt; cửa hàng xăng dầu phải cách ngã ba, ngã tư trên 50 m trong khi thế giới không như vậy…”, bà Hường dẫn chứng.

Chuyên đề