Chứng khoán sụp đổ
Ảnh Internet |
Đến nay, thị trường tài chính vẫn chưa bị tác động mạnh bởi cuộc khủng hoảng trần nợ công.
Chi phí phòng ngừa rủi ro vỡ nợ của chính phủ Mỹ và lợi suất trái phiếu chính phủ đến hạn gần thời điểm vỡ nợ dự kiến đều tăng. Điều này cho thấy nhà đầu tư nghi ngờ về khả năng trả nợ của chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, tác động tới các hộ gia đình hiện vẫn chưa đáng ngại.
Tình hình có thể sẽ thay đổi khi gần thời điểm chính phủ Mỹ cạn kiệt tiền mặt. Các chuyên gia cho rằng, cú sốc từ việc Mỹ không thể thanh toán nợ sẽ lan rộng khắp hệ thống tài chính, tác động đến cổ phiếu, trái phiếu, quỹ tương hỗ và công cụ phái sinh, trước khi gây hại cho nền kinh tế.
Lần cuối cùng chính phủ Mỹ gần vỡ nợ, chứng khoán đã giảm mạnh. Vào năm 2011, cách thời điểm chính phủ Mỹ sắp không thể xoay xở được chưa đầy một tuần, các chỉ số chứng khoán chính đã giảm khoảng 20%.
Moody's Analytics ước tính, giá cổ phiếu có thể đi xuống 20%, xóa sổ 10.000 tỷ USD tài sản hộ gia đình và tàn phá tài khoản hưu trí của hàng triệu người Mỹ. Trong khi đó, Nhà Trắng ước tính, đà sụt giảm có thể lên tới gần 45%.
Thị trường trái phiếu trị giá 46.000 tỷ USD cũng sẽ rung chuyển, khi giá trị của những lô trái phiếu đã phát hành sụp đổ do lợi suất trái phiếu mới cao hơn. Khủng hoảng có thể khiến doanh nghiệp ngừng mở rộng, làm cho cổ phiếu giảm mạnh hơn nữa.
Suy thoái bất ngờ
Nếu bế tắc tiếp diễn, tác động sẽ lan rộng từ thị trường tài chính sang nền kinh tế. Sự sụt giảm tài sản của hộ gia đình sẽ kéo theo chi tiêu người tiêu dùng đi xuống, gây tổn hại cho doanh nghiệp. Lãi suất tăng mạnh khiến việc vay vốn hoặc bắt đầu kinh doanh trở nên khó khăn hơn. Điều này cũng có thể làm sụp đổ thị trường nhà đất vốn đã nguội lạnh.
Một báo cáo gần đây của Zillow chỉ ra, vỡ nợ sẽ kéo lãi suất cho vay thế chấp bất động sản lên trên 8% và khiến doanh số bán nhà sụt giảm 23%. Ngành xây dựng và những lĩnh vực khác sẽ chịu thiệt hại nặng nề.
Tác động mạnh mẽ nhất có thể là việc hàng chục triệu gia đình Mỹ sẽ không còn nhận được sự hỗ trợ thường xuyên của chính quyền. Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ chi khoảng 6.000 tỷ USD cho an sinh xã hội, tương đương khoảng 16 tỷ USD mỗi ngày trong năm 2023. Số tiền này sẽ biến mất khỏi nền kinh tế chỉ sau một đêm nếu chính phủ Mỹ vỡ nợ.
Báo cáo năm 2013 của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy, khủng hoảng trần nợ năm 2011 đã khiến tổng tài sản hộ gia đình giảm 2.400 tỷ USD.
Chi phí đi vay tăng cao
Ảnh Internet |
Chính phủ Mỹ có thể vay tiền với chi phí rẻ bởi không ai mong đợi rằng Mỹ, nền kinh tế số một thế giới, mất khả năng trả nợ.
Sự an toàn biến Trái phiếu Kho bạc trở thành một trụ cột thiết yếu trong hệ thống tài chính toàn cầu. Trái phiếu Kho bạc Mỹ được coi là một trong những khoản đầu tư an toàn và thanh khoản nhất hiện nay, được ngân hàng trung ương, các quốc gia và quỹ thị trường tiền tệ dự trữ. Bất kỳ công cụ tài chính nào có giá trị dựa trên Trái phiếu Kho bạc đều có thể bị sụp đổ sau khi Mỹ vỡ nợ.
Các nhà kinh tế dự báo rằng, lợi thế đi vay giá rẻ mà Mỹ được hưởng trong nhiều thập kỷ có thể sẽ chấm dứt. Theo ước tính của Viện Brookings, nếu chính phủ vỡ nợ, chi phí đi vay của Mỹ có thể tăng thêm 750 tỷ USD trong thập kỷ tới.
Khủng hoảng lan rộng ra toàn cầu
Nhiều quốc gia đã mua một lượng lớn trái phiếu của chính phủ Mỹ. Việc nền kinh tế số một thế giới vỡ nợ có thể làm giảm giá trị những lô trái phiếu này, gây tổn hại đến dự trữ ngoại hối của nhiều nước.
Giới kinh tế lo ngại rằng sẽ ngày càng nhiều nước rơi vào khủng hoảng nợ nần. Số lượng các cuộc biểu tình, bất ổn địa chính trị toàn cầu cũng được dự đoán sẽ đi lên.
Đồng USD và uy tín của Mỹ sụt giảm
Ảnh Internet |
Các chuyên gia cho rằng, vỡ nợ có thể làm tổn hại đến vị thế của Mỹ trên trường quốc tế. Nền kinh tế thế giới đang bắt đầu nỗ lực giảm phụ thuộc vào USD. Brazil và Malaysia đã kêu gọi các nước giao dịch thường xuyên hơn bằng những đồng tiền khác.
Khoảng 60% giao dịch ngoại tệ vẫn đang sử dụng USD. Tuy nhiên, việc Mỹ không trả được nợ - khiến giá "đồng bạc xanh" đi xuống - có thể làm thay đổi tỷ lệ trên.
"Vỡ nợ có nguy cơ làm suy yếu vai trò lãnh đạo kinh tế toàn cầu của Mỹ và đặt câu hỏi về khả năng bảo vệ lợi ích quốc gia của chúng ta", Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo.
Vỡ nợ cũng sẽ dấy lên những nghi ngờ về năng lực của chính phủ Mỹ trong việc ứng phó với những tình huống khẩn cấp và thực hiện những chức năng cơ bản nhất như thanh toán các hóa đơn.
Theo ông Daniel Bergstresser - Phó giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh Quốc tế thuộc Đại học Brandeis, vỡ nợ sẽ làm xói mòn niềm tin toàn cầu vào hệ thống chính trị của Mỹ, bởi một phần vị thế của Mỹ trên toàn cầu là dựa trên niềm tin rằng hệ thống chính trị này hoạt động hiệu quả.