Diễn biến lạ của giá vàng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khác với các năm trước, giá vàng trong nước ngày vía Thần Tài (10 tháng 1 âm lịch) năm nay có lúc giảm mạnh. Đây là tín hiệu tích cực khi nhu cầu về vàng không tăng đột biến bởi niềm tin may mắn. Tuy nhiên, giá vàng trong nước vẫn đi ngược xu hướng và cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới cho thấy thị trường vàng trong nước chưa liên thông với thị trường thế giới và tiềm ẩn rủi ro với người nắm giữ vàng.
Người mua vàng trong ngày vía Thần Tài tại trụ sở Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) ở TP.HCM. Ảnh: Song Lê
Người mua vàng trong ngày vía Thần Tài tại trụ sở Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) ở TP.HCM. Ảnh: Song Lê

Đến 16 giờ ngày 19/2, giá vàng miếng SJC mua vào - bán ra được giao dịch phổ biến ở mức 75 - 78 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 800 nghìn đồng/lượng so với phiên giao dịch ngày 18/2 và giảm hơn 1 triệu đồng/lượng so với giá vàng trước kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn (ngày 7/2). Trước đó, giá vàng miếng SJC mua vào - bán ra có lúc giảm xuống mức 74,5 - 77,5 triệu đồng/lượng trong ngày 19/2. Giá vàng nhẫn được giao dịch phổ biến ở mức 64,5 - 65,9 triệu đồng/lượng, giữ ổn định trong ngày vía Thần Tài và tăng hơn 1 triệu đồng/lượng so với ngày 7/2.

Cùng giờ, giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới tiếp đà tăng, lên mức 2.020 USD/oz, tương đương khoảng 60,6 triệu đồng/lượng (quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại Ngân hàng Vietcombank). Như vậy, giá vàng SJC vẫn cao hơn giá vàng thế giới khoảng 17 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn cao hơn giá vàng thế giới khoảng hơn 4 triệu đồng/lượng.

Bên cạnh xu hướng giảm giá, quan sát từ thị trường cho thấy, số lượng người đến mua vàng tại các cửa hàng vào ngày vía Thần Tài cũng ít hơn các năm trước. Ông Nguyễn Hữu Thuyết, nhân viên kinh doanh của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cho biết, thay vì đợi đến mùng 10 Tết Nguyên đán như mọi năm, năm nay, nhiều khách hàng đã mua vàng lấy may từ mùng 5 Tết. Khách hàng chủ yếu mua vàng nhẫn loại 0,5 - 2 chỉ và các sản phẩm có hình rồng, hình Thần Tài và các sản phẩm quà tặng khác thay vì mua vàng miếng SJC như các năm trước. Nhiều khách hàng đặt mua vàng trực tuyến và lấy vàng sau.

“Vàng nhẫn tăng giá nhẹ so với phiên giao dịch trước đó do nhu cầu tăng, trong khi vàng miếng SJC giảm giá. Các khách hàng mua vàng lấy may thì nên mua số lượng nhỏ như 0,5 chỉ, 1 chỉ, 2 chỉ. Nếu muốn mua vàng để đầu tư thì khách hàng nên tìm hiểu kỹ, tránh rủi ro”, ông Thuyết lưu ý.

Về diễn biến của thị trường vàng trong ngày 19/2, TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính cho rằng, việc giá vàng giảm trong ngày vía Thần Tài năm nay là tín hiệu tích cực dù giá vàng trong nước vẫn chưa liên thông với giá vàng thế giới. Cụ thể, từ trước Tết Nguyên đán, khi giá vàng thế giới giảm trong nhiều ngày thì giá vàng trong nước vẫn neo cao. Ngày 8/2, giá vàng thế giới giao ngay giảm 2,1 USD xuống 2.033,3 USD/oz; giá vàng kỳ hạn ở mức 2.050,8 USD/oz, giảm 1,4 USD/oz so với ngày trước đó, thì giá vàng miếng SJC trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên mức 76,65 - 78,9 triệu đồng/lượng.

“Việc giá vàng trong nước giữ ở mức như hiện tại khiến các chủ tiệm vàng lãi rất lớn. Tuy nhiên, tâm lý đổ xô mua vàng lấy may xuất hiện ở Việt Nam khoảng 10 năm trở lại đây đã “kém thiêng” trong vài năm gần đây do chênh lệch giá mua và giá bán quá lớn, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới quá lớn khiến người mua vàng lỗ ngay sau khi mua. Kể cả tại Trung Quốc, nơi bắt nguồn tục thờ Thần Tài, người dân cũng không còn đổ xô đi mua vàng. Trong thời gian tới, xu hướng mua vàng ngày mùng 10 Tết Nguyên đán và tích trữ vàng có thể giảm dần bởi người dân e ngại rủi ro. Thay vào đó, người dân sẽ lựa chọn những kênh đầu tư và tích lũy phù hợp hơn”, ông Thịnh nêu quan điểm.

Chuyên đề