Địa phương thu kém sẽ phải 'thắt lưng buộc bụng'

Những địa phương có nguồn thu lớn sẽ được bội chi lớn hơn, còn những địa phương thu kém hơn sẽ phải “thắt lưng buộc bụng”. Các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) mới sẽ góp phần giảm lãng phí, giảm tình trạng đẩy gánh nặng trả nợ từ địa phương lên Trung ương.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP

Thông tin được cho biết tại Hội nghị phổ biến Luật NSNN 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này cho các cán bộ làm công tác tài chính, NSNN của các bộ, cơ quan Trung ương do Bộ Tài chính tổ chức ngày 27/3, tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng dự thảo các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật NSNN theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đến nay, các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật NSNN đã hoàn thành, là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng dự toán và điều hành NSNN năm 2017.

Đồng thời, các văn bản quy phạm pháp luật còn lại cũng đã được xây dựng xong và đang trình cấp có thẩm quyền ký ban hành (gồm 4 Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế tài chính ngân sách đặc thù cho 4 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Nghị định về kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm, Nghị định về quản lý, sử dụng ngân sách đối với hoạt động đối ngoại). Các văn bản này có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017, do đó việc quản lý, điều hành ngân sách năm 2017 và xây dựng dự toán năm 2018 phải tuân theo.

Ông Đỗ Việt Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính đã giới thiệu những nội dung mới của Luật NSNN 2015; những nội dung chính của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật NSNN; giới thiệu về lập dự toán NSNN; chấp hành NSNN; kế toán, quyết toán NSNN; lập dự toán ngân sách đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.

Điểm mới đáng chú ý là Luật NSNN 2015 được xây dựng theo hướng kiểm soát chặt bội chi và nợ các địa phương, sát với tình hình thực tế hơn. Điều này có nghĩa là những địa phương có nguồn thu lớn sẽ được bội chi lớn hơn, còn những địa phương thu kém hơn sẽ phải “thắt lưng buộc bụng” chặt chẽ.

Ví dụ, các địa phương như Hà Nội, TPHCM, dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp; đối với địa phương thu được hưởng theo phân cấp lớn hơn chi thường xuyên, dư nợ vay không vượt quá 30%; còn đối với tỉnh thu bằng, hoặc thấp so với chi thường xuyên, chỉ được vay không quá 20%.

Các quy định này sẽ góp phần tránh tình trạng lãng phí, nghèo nhưng vẫn chi, vay nhiều, sau đó lai đẩy gánh nặng trả nợ từ địa phương lên Trung ương. Trong khi đó, quy định mới lại khuyến khích những địa phương có nguồn thu mạnh có cơ hội có thêm nguồn lực đầu tư hiệu quả hơn.

Các khoản chi trả nợ gốc tiền vay được huy động từ cả các nguồn bội thu ngân sách, tăng thu, tiết kiệm chi… Các khoản chi trả nợ gốc không phải là khoản chi cân đối của NSNN nhưng được bố trí nguồn để bảo đảm chi trả đầy đủ, đúng hạn. Các khoản trả nợ gốc được Quốc hội, HĐND cấp tỉnh quyết định hằng năm.

Ông Đỗ Việt Đức cũng cho biết, điểm mới quan trọng là Luật NSNN 2015 còn yêu cầu tăng cường công khai NSNN các cấp. Theo đó, các đơn vị thực hiện ngân sách có trách nhiệm phải công khai thực hiện dự toán ngân sách. Đáng chú ý, việc công khai không chỉ là các con số mà còn phải kèm theo các báo cáo thuyết minh, giải thích lý do. Ví dụ, với đơn vị không thực hiện đúng dự toán ngân sách, không hoàn thành tiến độ giải ngân, hay tại sao chi cao quá mức… phải giải thích lý do tại sao, thuyết minh bằng lời văn kèm theo bản báo cáo tài chính. Ngoài ra, các đơn vị phải công khai kết quả thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, công khai các thủ tục NSNN.

Dù chưa quy định rõ chế tài nhưng Luật NSNN 2015 cũng bổ sung các quy định về đối tượng phải công khai, nếu không thực hiện sẽ phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Về lập dự doán NSNN, Luật mới cũng quy định bên cạnh lập hằng năm thì phải lập kế hoạch tài chính NSNN 3 năm. Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia… trình Quốc hội, còn ở địa phương thì các sở tài chính, sở kế hoạch và đầu tư trình Hội đồng nhân dân.

Đại diện nhà tài trợ Dự án Hiện đại hóa tài chính công (EU-PFMO), Phó Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam, ông Tom Corrie nhấn mạnh rằng việc có một khung pháp lý được cập nhật là điều kiện tiên quyết cho quá trình cải thiện hệ thống quản lý tài chính công.

Chuyên đề