Đến ngày 31/10, giải ngân vốn đầu tư công đạt 355.616,1 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31/10/2024 là 355.616,1 tỷ đồng, đạt 47,43% tổng kế hoạch, đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Trong đó, chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân đạt 16.127,2 tỷ đồng, bằng 59,25% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ước giải ngân 10 tháng vốn ngân sách trung ương là 54,9%, cao hơn cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, vốn ngân sách địa phương giải ngân còn thấp, đạt 50,8%.

Bộ Tài chính cho biết, trong 10 tháng qua, có 15/44 bộ, cơ quan trung ương và 41/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt. Tuy nhiên, có 29/44 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước.

Việc một số địa phương kế hoạch lớn nhưng tỷ lệ giải ngân không cao nên ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước. Điển hình như TP.HCM được giao 79.263,78 tỷ đồng, chiếm 11,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cả nước, nhưng chỉ mới giải ngân 19,63%; TP. Hà Nội được giao 81.033 tỷ đồng, chiếm 12,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng chỉ giải ngân 44,62%.

Bộ Tài chính cũng cho biết, lũy kế giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đến hết tháng 9/2024 đạt 41,2% tổng kế hoạch vốn giao trong năm 2024. Trong số đó, vốn đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia từ nguồn ngân sách trung ương đạt 48,6% (khoảng 13,242 tỷ đồng). Bộ Tài chính nhận định, bên cạnh những nội dung thành phần, dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia đạt cao, vẫn còn một số nội dung thành phần, dự án có tỷ lệ giải ngân đạt thấp.

Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm đã được Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong các báo cáo định kỳ hàng tháng, tập trung vào các vướng mắc ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, lập, phân bổ kế hoạch; tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm như: vướng mắc về cơ chế chính sách; vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA...

Chuyên đề