Đến 16/9, tăng trưởng tín dụng đạt 10,47%

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến ngày 16/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 6 - 6,5% và lạm phát khoảng 4% của Quốc hội, Chính phủ, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Trong bối cảnh hiện nay, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.

Theo đó, tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.

Tuy nhiên, NHNN cho biết, xu hướng lạm phát quốc tế vẫn tiếp tục ở mức cao. Ngày 22/9/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất thêm 0,75%. Sau 5 lần điều chỉnh tăng lãi suất, Fed đưa lãi suất điều hành lên mức 3 - 3,25%/năm; đồng thời dự báo tiếp tục tăng lãi suất và duy trì trên 4%/năm sau năm 2023 để kiềm chế lạm phát.

Trong nước, tình hình giá cả xăng dầu, vật tư xây dựng… tuy đã được kiểm soát song vẫn còn nhiều tiềm ẩn phức tạp. Tác động vòng 2 của chi phí đẩy do giá cả nguyên nhiên vật liệu tăng áp lực lên lạm phát.

Để tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ.

Thời gian vừa qua, các tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao điều hành của NHNN. Theo đó, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ đúng, trúng; phản ứng chính sách linh hoạt, thận trọng, kịp thời, có tính dự báo cao và chủ động, hấp thu tốt trước các biến động của tình hình thế giới, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức khi nền kinh tế vừa hồi phục sau đại dịch Covid-19. Từ đó tạo được niềm tin của người dân, nhà đầu tư đối với điều hành của Chính phủ, NHNN và môi trường đầu tư tại Việt Nam.

NHNN khẳng định sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt; giữ mặt bằng lãi suất và tăng trưởng tín dụng hợp lý để hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát, hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, điều hành tỷ giá linh hoạt.

Chuyên đề