Ảnh minh họa |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ khi ban hành Pháp lệnh giống vật nuôi năm 2004 đến nay, thực tế sản xuất, kinh doanh ngành chăn nuôi đã có nhiều biến động to lớn và thay đổi cơ bản. Từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, chăn nuôi các giống bản địa là chủ yếu, chuồng trại sơ sài, kỹ thuật lạc hậu đến nay đã phổ biến là chăn nuôi trang trại, công nghiệp, ứng dụng chuồng kín, chuồng lồng, sản xuất tập trung, hàng hóa và cơ bản đã chăn nuôi các giống cao sản, tiên tiến của thế giới.
Sản lượng sản phẩm đã tăng trưởng gấp đôi trong thời gian 13 năm. Từ chỗ chỉ sản xuất được 2,5-2,7 triệu tấn thịt năm 2005 đến nay đã tăng lên 5,4 triệu tấn. Sữa tăng từ 100.000 tấn/năm 2005 nay đã lên đến 400.000 tấn. Sản lượng trứng từ chỗ chỉ 4-4,5 tỷ quả thì năm 2016 đã tăng lên 8 tỷ quả.
Đối với ngành thức ăn chăn nuôi, từ chủ yếu là sử dụng thức ăn đơn, phụ phẩm nông nghiệp, chăn nuôi tận dụng, đến nay, cơ bản đã sử dụng thức ăn công nghiệp ăn thẳng và Việt Nam đã có ngành sản xuất, kinh doanh thức ăn công nghiệp rất lớn với sản lượng năm 2016 đạt trên 20 triệu tấn (năm 2005 chỉ mới 5 triệu tấn). Việc xuất, nhập khẩu giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thiết bị chăn nuôi cũng diễn ra hết sức sôi động… Cùng với việc phát triển mạnh ngành chăn nuôi đồng thời cũng phát sinh nhiều hệ lụy như vấn đề dịch bệnh tràn lan (lở mồm long móng, cúm gia cầm, tai xanh) ô nhiễm môi trường, chăn nuôi trong khu dân cư, phát triển không có quy hoạch; kinh doanh giống giả, giống kém chất lượng, nhập lậu giống không qua kiểm dịch; thức ăn kém chất lượng, sử dụng kháng sinh, chất cấm trong thức ăn chăn nuôi… Đặc biệt, trong những năm gần đây, đã xuất hiện tình trạng dư thừa sản phẩm, cung vượt quá cầu, công nghiệp chế biến chưa phát triển, ảnh hưởng dịch bệnh dẫn đến sản phẩm rẻ dưới giá thành mà không xuất khẩu được, người chăn nuôi thua lỗ.
Như vậy, ngành chăn nuôi đã thay đổi cơ bản về quy mô, phương thức chăn nuôi, ngày càng trở thành ngành kinh tế quan trọng trong nông nghiệp, đồng thời, phát sinh nhiều hệ lụy phức tạp- đòi hỏi phải có sự điều chỉnh pháp luật tương ứng để quản lý hiệu quả hơn, chính xác hơn.
Trong khi đó, Pháp lệnh giống vật nuôi năm 2004 mới chỉ điều chỉnh quản lý trong lĩnh vực giống vật nuôi, trong khi sản xuất giống vật nuôi chỉ chiếm 10% trong toàn ngành chăn nuôi, còn 90% là sản xuất, chăn nuôi thương mại chưa được điều chỉnh ở văn bản nào. Vấn đề quan trọng thứ 2 là vấn đề bảo vệ môi trường chưa có trong Pháp lệnh. Do đặc thù ngành chăn nuôi có thải ra lượng lớn chất thải nguy hại nhưng việc quy hoạch, định hướng và xử lý chất thải, bảo vệ môi trường trong chăn nuôi để phát triển bền vững chưa được quy định. Đối với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, Nghị định số 08/2010/NĐ-CP và Nghị định số 39/2017/NĐ-CP mới chỉ điều chỉnh đối với thức ăn công nghiệp, chưa điều chỉnh đến thức ăn thô xanh, đồng cỏ cho chăn nuôi. Việc sử dụng kháng sinh, chất kích thích sinh trưởng, chất cấm chưa được quy định chặt chẽ…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để khắc phục được những tồn tại và bất cập nêu trên, việc xây dựng, ban hành Luật Chăn nuôi là hết sức cần thiết.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dự thảo Luật Chăn nuôi gồm 8 chương, 87 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đề xuất rõ những quy định cụ thể về quản lý giống vật nuôi; quản lý thức ăn chăn nuôi; sản xuất chăn nuôi; xuất nhập khẩu chăn nuôi…