Ảnh minh họa |
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ luật Lao động của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ban hành ngày 23 tháng 6 năm 1994, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 1995, đã qua bốn lần sửa đổi bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007 và 2012; trong đó lần sửa đổi năm 2012 là lần sửa đổi toàn diện. Trong hệ thống pháp luật lao động của nước ta, sau Hiến pháp, Bộ luật Lao động giữ vị trí rất quan trọng điều chỉnh một lĩnh vực rộng lớn các quan hệ lao động có tính kinh tế - xã hội sâu rộng, tác động tất cả các thành phần kinh tế, mọi doanh nghiệp, các tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ và người lao động; đã tạo lập các chuẩn mực pháp lý cho các chủ thể tham gia thị trường lao động, đưa ra các quy tắc ứng xử cho các chủ thể trong tuyển dụng và sử dụng lao động và thiết lập các hành lang pháp lý quan trọng cho việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa.
Tuy nhiên, sau nhiều năm áp dụng trên thực tế, việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 và các luật có liên quan, trước đòi hỏi của hội nhập thương mại quốc tế và phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong những năm gần đây, đã xuất hiện các yêu cầu đòi hỏi Bộ luật Lao động cần phải được tiếp tục hoàn thiện.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tổng kết 3 năm thi hành, nhiều doanh nghiệp, người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng và công đoàn đã phản ánh nhiều vướng mắc, bất cập xuất phát không chỉ từ việc thực hiện các văn bản hướng dẫn chi tiết Bộ luật Lao động mà còn xuất phát từ việc áp dụng nội dung của các điều luật trong Bộ luật Lao động, cụ thể trên một số nội dung về: Hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, kỷ luật lao động, lao động nữ, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động và đình công… Các vướng mắc, bất cập đó đòi hỏi nội dung một số điều trong các Chương của Bộ luật Lao động cần được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo sự thực thi hiệu quả trong thực tế áp dụng.
Bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật
Quá trình soạn thảo Bộ luật Lao động 2012 (từ năm 2008 - 5/2012), dù dự thảo Bộ luật đã cố gắng tiếp thu cơ bản tinh thần của dự thảo Hiến pháp nhưng sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành, nội dung của Bộ luật Lao động vẫn chưa thể chế hóa được các nội dung của Hiến pháp liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Do vậy, Bộ luật Lao động cần được tiếp tục sửa đổi để bổ sung các chế định mới nhằm thể chế hoá Hiến pháp năm 2013 về quyền con người trong lĩnh vực lao động, quan hệ lao động và thị trường lao động.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây Quốc hội đã ban hành nhiều Luật mới làm ảnh hưởng tới nội dung của Bộ luật Lao động như: Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và các Luật chuyên ngành tách ra từ nội dung của Bộ luật Lao động (như: Luật Việc làm năm 2013, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật an toàn - vệ sinh lao động năm 2015). Do đó, Bộ luật Lao động cần tiếp tục được sửa đổi nhằm đảm bảo sự thống nhất, sự phù hợp với nội dung của các Luật mới ban hành gần đây.
Thêm vào đó, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và quá trình đổi mới ở trong nước trong thời gian qua đặt ra yêu cầu "nội luật hóa theo lộ trình phù hợp những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trước hết là luật pháp về thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, lao động - công đoàn".
Trong lĩnh vực lao động, các cam kết trong khuôn khổ Liên hợp quốc, nghĩa vụ là thành viên của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) và trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới yêu cầu Việt Nam có nghĩa vụ tôn trọng và thực hiện các nguyên tắc về các quyền cơ bản tại nơi làm việc của người lao động. So sánh, đối chiếu Bộ luật Lao động 2012 với các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản quy định trong Công ước của ILO thì vẫn còn một số nội dung chưa tương thích, chủ yếu tập trung vào các nội dung về quyền tự do liên kết và thúc đẩy thương lượng tập thể. Do vậy, cần tiếp tục sửa đổi bổ sung Bộ luật Lao động để bảo đảm sự phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thể chế chính trị của Việt Nam.
Từ những lý do trên, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cần sửa đổi Bộ luật Lao động nhằm sửa đổi, bổ sung tất cả các điều khoản mà tổng kết thi hành gặp vướng mắc, bất cập cũng như các vấn đề mới phát sinh từ thực tế mà luật chưa điều chỉnh; thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về các quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lĩnh vực lao động, quan hệ lao động và thị trường lao động; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; nâng cao vai trò, vị thế của Công đoàn trong quan hệ lao động; đáp ứng các yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.