Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, cần thiết phải sửa đổi Luật BVMT hiện hành, đặc biệt là đã đến lúc cần hình thành đạo luật về BVMT một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ và thống nhất, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả |
Quy định này nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác BVMT, hướng tới phát triển bền vững.
Bên cạnh điểm mới này, Dự án Luật có nhiều quy định, chính sách quan trọng như: khung chính sách, đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường… trên cơ sở khắc phục những điểm còn hạn chế, bất cập của Luật BVMT năm 2014.
Vì vậy, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, cần thiết phải sửa đổi Luật BVMT hiện hành, đặc biệt là đã đến lúc cần hình thành đạo luật về BVMT một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ và thống nhất, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Luật BVMT hiện hành chưa tiếp cận và cập nhật kịp với những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn; cách thức quản lý còn mang nặng tính mệnh lệnh hành chính, chủ yếu dựa vào quy trình, thủ tục, chưa chú trọng quản lý theo mục tiêu và kết quả về BVMT; một số quy định mới chỉ ở mức khung, chưa quy định chi tiết nên chưa bảo đảm các yếu tố thực thi; nhiều nội dung về BVMT còn phân tán tại các luật khác nhau.
Bên cạnh đó, môi trường nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp; chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép, không còn khả năng tiếp nhận chất thải; đã xuất hiện những sự cố môi trường lớn, sự bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đang gióng lên hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi phải nhanh chóng thay đổi phương thức quản lý, kiểm soát về môi trường…
Cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật như Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BVMT do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày cũng nhấn mạnh, hiện công tác BVMT đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
Hơn nữa, hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra những thời cơ và yêu cầu mới cho hoạt động BVMT. Do đó, việc tiếp cận, ứng xử với môi trường theo xu thế mới, khoa học hơn có ý nghĩa quan trọng khi nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức ngày càng lớn, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Cũng trong sáng nay (26/5), Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.