Đề xuất cơ chế giúp doanh nghiệp xử lý nợ vay

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) vừa có công văn đề xuất cho phép doanh nghiệp (DN) kéo dài thời hạn trái phiếu và không tính việc kéo dài này vào tỷ lệ nợ quá hạn tại ngân hàng. VBMA ủng hộ chính sách cho phép chuyển đổi trái phiếu thành tài sản khác, nhưng cần được hướng dẫn rõ ràng hơn. Những cơ chế mới nếu được Chính phủ chấp thuận, sẽ giúp DN có cơ hội cân đối nguồn tiền trong ngắn hạn, để trụ lại và đi tiếp cùng nền kinh tế.
Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành. Ảnh: Song Lê
Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành. Ảnh: Song Lê

Tại một DN cụ thể là Tập đoàn Đầu tư giáo dục Egroup, đứng trước khối nợ không có khả năng thanh toán, Egroup đã gửi một loạt công văn xin gia hạn nợ sang năm 2023. Egroup chia sẻ, thị trường tài chính và tất cả các hoạt động giao dịch gặp khó khăn, thị trường trái phiếu, cổ phiếu và thanh khoản giảm sút nên hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, DN quá khó khăn về dòng tiền. Theo đó, DN mong có sự cảm thông từ các chủ nợ và mong được hỗ trợ gia hạn thanh toán công nợ để tìm cơ hội phục hồi hệ thống. Áp lực đòi nợ căng đến mức ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch tập đoàn này đã lên tiếng mong mỏi nhận được sự bao dung, sự chia sẻ của cơ quan quản lý, nhà đầu tư, khách hàng và cộng đồng. “Mong mọi người hãy giúp tôi, cho tôi cơ hội thực hiện được cam kết của mình”, ông nói.

Egroup là DN có gần 15 năm hoạt động, từng dẫn đầu về thị phần giáo dục tiếng Anh tại Việt Nam. Nguồn vốn tài trợ chủ yếu cho hoạt động của Egroup là từ phát hành trái phiếu DN (TPDN) và vay vốn ngân hàng. Khi Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực, với các tiêu chuẩn cao, chặt chẽ và chuyên nghiệp, Egroup đã không thể huy động được vốn qua TPDN. Thanh khoản cạn kiệt trầm trọng, nhưng Egroup không phải là ngoại lệ trong bối cảnh cộng đồng DN gặp áp lực chồng lên áp lực sau 2 năm Covid-19. Theo quy luật thị trường, có những DN sẽ gượng dậy được, nhưng đang và sẽ có hàng vạn DN buộc phải phá sản. Trước thực tế khó khăn về dòng tiền, hầu hết DN đều mong mỏi cánh cửa huy động vốn từ TPDN cần được xem xét, nới rộng, để hỗ trợ DN tạm thời đi qua khó khăn.

Nghị định số 65/2022/NĐ-CP được Chính phủ ban hành vào tháng 9/2022 với mục tiêu phát triển thị trường TPDN minh bạch, bền vững, bảo vệ quyền lợi cho các bên và khắc phục những bất cập đã bộc lộ trên thị trường trước đó. Theo đó, Nghị định mới nâng tầm chuyên nghiệp của các chủ thể, đặc biệt là với DN phát hành và nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi Nghị định 65 có hiệu lực cũng là thời điểm thị trường tài chính chứng kiến những vụ sai phạm về phát hành TPDN ở các DN lớn như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, SCB… Nhiều nhà đầu tư hốt hoảng rơi vào trạng thái mất niềm tin, kênh huy động vốn qua phát hành TPDN gần như bị đóng lại. Trên thị trường tiền tệ, lãi suất, tỷ giá tăng mạnh, hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn khiến các DN chịu áp lực kép trong cân đối các yêu cầu thanh khoản. Nhiều DN đứng trước bờ vực phá sản do không cân đối được dòng tiền trả nợ…

Thấu hiểu khó khăn của DN, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét sửa đổi Nghị định 65 về phát hành TPDN riêng lẻ. Trong đề xuất sửa đổi sau 3 tháng Nghị định 65 được ban hành, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đề xuất nới quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đến đầu năm 2024 và bổ sung quy định cho phép DN được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành. Việc kéo dài kỳ hạn của trái phiếu tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án đã công bố. Cùng với đó, đề xuất DN phát hành được giãn việc xếp hạng tín nhiệm đến đầu năm 2024…

Tại nội dung góp ý cho các điểm sửa đổi, Chủ tịch VBMA Nguyễn Thanh Tùng đồng thuận với những điểm nới trên, đồng thời đề nghị, Chính phủ xem xét việc kéo dài thời hạn của trái phiếu kèm theo việc không tính kéo dài thời hạn này vào tỷ lệ nợ quá hạn để các ngân hàng có thể tiếp tục hỗ trợ cho các DN. Cùng với đó, VBMA kiến nghị bổ sung trường hợp kéo dài thời hạn với cả trái phiếu đã bị quá kỳ hạn, nếu DN phát hành và nhà đầu tư thỏa thuận được với nhau về thời điểm bắt đầu kéo dài kỳ hạn trái phiếu. Trong trường hợp này, mốc tối đa 2 năm được đề xuất từ thời điểm DN và nhà đầu tư chốt được thỏa thuận với nhau.

Cách khác để DN bớt áp lực nợ là cho phép chuyển đổi trái phiếu thành tài sản khác. Theo VBMA, chính sách này bản chất là quy định về thanh toán trái phiếu bằng tài sản, quy định pháp lý cần hướng dẫn rõ để tạo đường cho DN có hướng giảm nợ.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Công ty dữ liệu FiinGroup cho biết, trong 3 năm qua, Việt Nam có trên 700 DN có trái phiếu lưu hành, với dư nợ khoảng 1,5 triệu tỷ đồng. Trước sức ép thị trường và nhà đầu tư cá nhân, gần đây, một số DN lo được dòng tiền đã mua lại trước hạn trái phiếu. Tuy nhiên, áp lực trả nợ tiếp tục gia tăng mạnh trong giai đoạn 2023 - 2024 do hầu hết kỳ hạn trả nợ rơi vào 2 năm này. Riêng khối DN bất động sản, tính đến hết tháng 10/2022, giá trị trái phiếu chưa thanh toán có quy mô khoảng 445 nghìn tỷ đồng. Nếu kênh phát hành TPDN vẫn khó khăn thì rủi ro sẽ tăng mạnh trong năm 2023 - 2024. Theo đó, có thể có nhiều hơn DN bế tắc thanh khoản và có thể dẫn đến vi phạm nghĩa vụ thanh toán nợ hoặc thậm chí vỡ nợ.

Chuyên đề