Đề xuất chọn thiết kế lá dừa làm kiến trúc sân bay Long Thành

Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) vừa đề xuất Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ chọn phương án 7 với thiết kế hình ảnh lá dừa làm kiến trúc nhà ga hành khách - Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai). Đây là phương án được Hội đồng đánh giá xếp hạng thi tuyển chấm điểm cao nhất.
Phương án số 7 được chấm điểm cao nhất trong 9 phương án dự thi, với ý tưởng là hình ảnh lá cọ - mang đậm văn hóa vùng sông nước. ACV đã đề xuất lựa chọn thiết kế này làm kiến trúc sân bay Long Thành.
Phương án số 7 được chấm điểm cao nhất trong 9 phương án dự thi, với ý tưởng là hình ảnh lá cọ - mang đậm văn hóa vùng sông nước. ACV đã đề xuất lựa chọn thiết kế này làm kiến trúc sân bay Long Thành.

Trước đó, trong tổng số 9 phương án kiến trúc dự thi, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã thống nhất lựa chọn phương án kiến trúc số 3, 4 và 7 để trình Chính phủ quyết định. Đây là 3 phương án kiến trúc được bình chọn nhiều nhất trong thời gian lấy ý kiến của người dân và Hội Nghề nghiệp, đơn vị có chuyên môn.

Đề xuất lên Bộ GTVT, ACV cho biết phương án 7 có ưu điểm là lấy ý tưởng từ hình ảnh cây dừa nước, mang đậm chất văn hóa địa phương; hình ảnh lá cọ/dừa nước được áp dụng vào thiết kế phần mái công trình.

Theo thuyết trình của đơn vị thiết kế, bố cục không gian khu vực nhà ga đi được thể hiện ý tưởng như những con thuyền di chuyển trên sông nước đồng quê Việt Nam. Phương án thiết kế lệch tầng để phân chia các khu vực chức năng nhằm tạo không gian sinh động cho nhà ga kết hợp việc ử dụng các mảng xanh, cảnh quan nội thất trong công trình.

Đây là phương án được Hội đồng đánh giá xếp hạng thi tuyển chấm điểm cao nhất.

Phương án này cũng có hình thức kiến trúc nhà ga hiện đại, kết hợp việc sử dụng các mảng xanh cảnh quan nội thất trong công trình và sử dụng vật liệu hài hòa, cố gắng tạo các điểm nhấn (là các khu kinh doanh dịch vụ, khu phòng chờ khách tại sảnh ga đi) để thể hiện một hình ảnh nhà ga hàng không năng động và hiện đại.

ACV nhấn mạnh, phương án 7 có kết cấu đơn giản, phù hợp với điều kiện thi công, lựa chọn các kết cấu linh hoạt nhằm tiết kiệm, dễ tổ chức thi công và đẩy nhanh tiến độ. Đề xuất sử dụng vật liệu phù hợp với kết cấu và phù hợp với nhu cầu sử dụng cho các khu vực công năng trong nhà ga. Chủng loại vật liệu ngoại thất và nội thất cũng phù hợp với xu hướng sử dụng cho các nhà ga hàng không trên thế giới, đảm bảo độ bền, tính thẩm mỹ và đặc tính kỹ thuật của nhà ga hàng không.

ACV thống nhất với đánh giá của hội đồng, đề xuất Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng xem xét ưu tiên lựa chọn phương án 7 để đưa vào hồ sơ mời thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án (FS). ACV cũng cho biết sẽ chỉ đạo đơn vị tư vấn trúng thầu lập FS tổng hợp ưu điểm của các phương án dự thi để đưa vào FS.

Cảng Hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD), được chia làm 3 giai đoạn. Diện tích đất của Dự án là 5.000 ha. Quy mô của Dự án, đầu tư xây dựng các hạng mục của Dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Đây sẽ là Cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.

Thiết kế kiến trúc nhà ga hành khách Cảng Long Thành thu hút 9 phương án dự thi, đây là sản phẩm của các đơn vị tư vấn thiết kế có uy tín đến từ Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Singapore… Từ ngày 28/11/2016 - 23/1/2017, ACV tổ chức lấy ý kiến cộng đồng về phương án kiến trúc trực tiếp tại 4 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Đồng Nai và các Hội Nghề nghiệp, đơn vị có chuyên môn. 

Chuyên đề