Đề xuất ba phương án tăng trưởng cho năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam sẽ khoảng 6,7%, nhưng TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, năm 2023 là năm bản lề của kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm và để đạt được các mục tiêu trung hạn, Việt Nam nên mạnh dạn xây kế hoạch tăng trưởng kinh tế năm 2023 ở mức trên 7%...
Nhiều tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam đạt khoảng 6,7%. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam đạt khoảng 6,7%. Ảnh: Lê Tiên

Ba phương án tăng trưởng cho năm 2023

Ngày 24/9/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trình Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến Kế hoạch cho năm 2023. Trên cơ sở phân tích bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế, Bộ KH&ĐT dự kiến 3 phương án tăng trưởng của năm 2023 tương ứng với những dự báo về bối cảnh quốc tế và trong nước thuận lợi hay khó khăn nhiều hơn. Theo đó, 3 phương án lần lượt gồm: tăng trưởng GDP ở mức 7 - 7,5% trong trường hợp tăng trưởng năm 2022 đạt khoảng 6,5%; tăng trưởng GDP ở mức 6,5 - 7% trong trường hợp tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt khoảng 7 - 7,5%; tăng trưởng GDP ở mức 6 - 6,5% trong trường hợp tăng trưởng năm 2022 đạt cao hơn 7,5%. Trong 3 phương án được xây dựng, Bộ KH&ĐT kiến nghị lựa chọn phương án hai là phương án khả thi để phấn đấu thực hiện.

Dù đề xuất phương án hai, tức là GDP tăng trưởng 6,5 - 7% năm 2023, nhưng Bộ KH&ĐT cũng phân tích, các yếu tố ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới là rất lớn. Các yếu tố chưa thể dự báo trước trong bài toán tăng trưởng của năm 2023 có biến động giá xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu, rủi ro về chuỗi cung ứng, sự thay đổi chính sách của các nước lớn, thiên tai, bão lũ, dịch bệnh…

Trên trường quốc tế, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cập nhật thường xuyên các dự báo kinh tế của mình và gần đây nhất, cả 2 tổ chức này đều hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 ở mức giảm 0,2% so với dự báo trước đó. Khó khăn chung bao phủ nhiều nền kinh tế là tình trạng lạm phát cao kéo dài, bất ổn trên thị trường tài chính - tiền tệ, cộng với xung đột tại Ukraine có thể còn kéo dài, khiến câu chuyện dự báo kinh tế trở thành thách thức, khi có quá nhiều biến số không thể lường trước được.

Với Việt Nam, theo WB, trong ngắn hạn, các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là hài hòa giữa việc thực thi chính sách hỗ trợ để phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh môi trường toàn cầu suy yếu, với việc phải kiềm chế lạm phát và các rủi ro tài chính đang nổi lên.

Tuy nhiên, điểm tích cực trong đánh giá về Việt Nam của nhiều chuyên gia là khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 7 - 7,5% trong năm 2022 rất chắc chắn. Tại Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương, WB dự báo kinh tế Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 7,2%. Dù dự báo tình hình thế giới 2023 chỉ tăng trưởng khoảng 3%, nhưng WB, ADB và IMF đều dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam vào khoảng 6,7% hoặc cao hơn.

Giải pháp nào để tăng trưởng cao và bền vững?

Với Việt Nam, việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là một bài toán lớn để làm sao vừa khả thi, vừa có thể duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững, bảo đảm tăng trưởng dài hạn. Với tăng trưởng năm 2021 là 2,58%, năm 2022 dự báo được 7,5%, năm 2023 và 2 năm cuối của kỳ kế hoạch 5 năm cần nỗ lực đạt tăng trưởng cao mới hoàn thành mục tiêu trung hạn. TS. Trần Hoàng Ngân khuyến nghị, nên đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 ở mức trên 7%.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 trên 7%, TS. Trần Hoàng Ngân cho rằng, việc quan trọng là nâng được thể trạng của nền kinh tế, nâng được sức khỏe của doanh nghiệp, cải thiện đời sống người dân. Đồng thời, cần tiếp tục triển khai 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng kinh tế - xã hội, vấn đề nhân lực và giải bài toán về vốn. Với bài toán về vốn, vốn ngắn hạn ở ngân hàng thương mại, vốn trung, dài hạn ở thị trường chứng khoán, nên cần sớm có thể chế hoàn chỉnh để thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nhấn mạnh, giữ ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện tiên quyết để Việt Nam tiếp tục thu hút được các nguồn lực cho tăng trưởng. Cùng với đó, Chính phủ cần gỡ điểm nghẽn về nguồn lực để nền kinh tế hấp thụ được vốn thì mới có thể phát triển ổn định, tăng trưởng. Ông Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính thì cho rằng, giai đoạn 2023 - 2025 cần tiếp tục thực hiện nguyên tắc điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt trong ứng biến về ngắn hạn, nhưng tuân thủ các nguyên tắc cân đối ngân sách và kỷ luật tài chính về dài hạn.

Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 được thúc đẩy bởi tiêu dùng trong nước và đầu tư, nhưng Việt Nam sẽ phải đối mặt với những rủi ro suy thoái ngày càng lớn liên quan đến sự suy giảm kinh tế của các đối tác thương mại chính, lạm phát cao hơn và rủi ro tài chính tăng. Bà Carolyn nhận định, năm 2022, Việt Nam trở lại đà tăng trưởng cao, nhưng cần suy nghĩ về tăng trưởng trong dài hạn. Điều này sẽ phụ thuộc vào việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất…, xây dựng một nền kinh tế có khả năng cạnh tranh và phục hồi cao hơn. Chuyển đổi số - nền tảng của tăng trưởng dựa trên năng suất, cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

Chuyên đề