Đề nghị đánh giá rõ thực trạng sở hữu chéo tại ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 5/6, Quốc hội nghe Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trình bày Tờ trình về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trình bày Tờ trình về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trình bày Tờ trình về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu một số điểm đáng chú ý về nội dung sở hữu chéo tại ngân hàng tại Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Theo đó, về giải thích từ ngữ, đối với khái niệm người có liên quan, Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung đánh giá thực trạng sở hữu chéo hiện nay trong hệ thống ngân hàng, giữa ngân hàng với doanh nghiệp và công ty chứng khoán, từ đó làm rõ cơ sở đề xuất bổ sung thêm đối tượng người có liên quan; rà soát với Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán để bảo đảm thống nhất khi triển khai.

Ngoài ra, đề nghị rà soát, làm rõ khái niệm về hoạt động ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, ngân hàng hợp tác xã...

Về tỷ lệ sở hữu cổ phần, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng giảm tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ ngân hàng của một cá nhân từ mức 5% hiện nay xuống còn 3%. Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (hiện tại là 15%), trừ ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt hoặc sở hữu của Nhà nước tại ngân hàng. Tỷ lệ sở hữu tối đa của nhóm cổ đông và người liên quan cũng được đề xuất giảm từ 20% xuống 15%.

Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ hơn cơ sở đề xuất các tỷ lệ như tại Dự thảo Luật; đánh giá rõ thực trạng sở hữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng để xác định rõ mức độ, nguyên nhân của tình trạng sở hữu chéo để đề xuất giải pháp căn cơ, triệt để và xử lý được tình trạng sở hữu chéo hiện nay. Đồng thời, bổ sung đánh giá tác động của các quy định đối với các cổ đông hiện hữu, nhất là cổ đông chiến lược nước ngoài sẽ phải giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần sau khi Luật có hiệu lực; tác động đến thị trường chứng khoán. Có ý kiến đề nghị quy định tại Dự thảo Luật lộ trình phù hợp để các cổ đông hiện hữu thực hiện thoái vốn hoặc quy định không áp dụng hồi tố để bảo đảm lợi ích nhà đầu tư.

Về giới hạn cấp tín dụng, dư nợ cấp tín dụng tối đa đối với một khách hàng tại Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng giảm từ mức 15% như hiện hành xuống còn 10% tính trên vốn tự có của ngân hàng. Tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại (hiện tại là 25%).

Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc việc sửa đổi các giới hạn cấp tín dụng, bởi: việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng sẽ tác động ngay đến nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thực sự là kênh huy động vốn ổn định cho nền kinh tế và còn nhiều rủi ro; có thể tác động tiêu cực đến thu hút FDI của Việt Nam do giảm khả năng vay trong nước; việc mở rộng định nghĩa về người có liên quan đồng thời với việc thu hẹp tổng mức tín dụng được cấp cho một khách hàng và người có liên quan sẽ gây tác động bất lợi kép cho cả khách hàng và ngân hàng; trường hợp vay hợp vốn hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ sẽ mất thêm nhiều thời gian, thủ tục hơn do giới hạn cấp tín dụng thu hẹp hơn so với Luật hiện hành; thông lệ quốc tế đều quy định ở mức tỷ lệ cao hơn (khoảng 25%) so với quy định tại Dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị trường hợp áp dụng quy định này cần có lộ trình cho các khoản vay và đối tượng đã vay vốn trước ngày Luật có hiệu lực để bảo đảm dòng vốn không bị dừng đột ngột, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chuyên đề