Ảnh minh hoạ. |
Dự án nhà máy nhiệt điện Nam Định 1 có tổng công suất 1.200MW, gồm 2 tổ máy, tổng mức đầu tư khoảng 2,3 tỷ USD, được thực hiện ở xã Hải Châu và Hải Ninh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định với diện tích 242,71 ha.
Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Điện lực Nam Định Thứ Nhất (có trụ sở tại Singapore), do liên danh đầu tư Tập đoàn Taekwang Power (Hàn Quốc) và Acwa Power (A-Rập-Xê-Út) đầu tư.
Liên quan đến vướng mắc tại dự án này, cuối tháng 9/2019, Bộ Công Thương đã có công văn yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cam kết và đảm bảo cung cấp than trong nước cho cả đời dự án trong hợp đồng Cung cấp than và tự chịu trách nhiệm đối với các thiệt hại do TKV vi phạm các cam kết, khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư dự án để hoàn thiện nội dung hợp đồng.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 10/2019, TKV có công văn báo cáo Bộ Công Thương không có khả năng cung cấp đủ than trong nước cho cả đời dự án và đề xuất: Thứ nhất, việc cung cấp than cho dự án là than sản xuất trong nước và/hoặc các nguồn than khác (bao gồm cả than pha trộn giữa than nhập khẩu và than trong nước, than nhập khẩu).
Thứ hai, TKV kiến nghị xem xét lại việc bảo lãnh của Chính phủ bởi vì trường hợp TKV không cung cấp được than cho dự án thì TKV sẽ bị phạt và việc này vượt quá khả năng kiểm soát của TKV.
Trong khi đó, phía chủ đầu tư dự án khẳng định điều kiện tiên quyết để tiếp tục triển khai dự án là Chính phủ phải chấp thuận việc bảo lãnh nghĩa vụ của TLV trong việc cung cấp than cho dự án theo một trong hai phương án sau:
Phương án 1: TKV đảm bảo cung cấp 100% than trong nước cho cả đời dự án và Chính phủ bảo lãnh việc cung cấp than tương tự như các dự án BOT điện sử dụng than trong nước đã ký hợp đồng.
Phương án 2: TKV đảm bảo cung cấp than trong nước cho cả đời dự án và được phép cung cấp than từ "nguồn than thay thế" trong trường hợp thiếu hụt than trong nước theo cơ chế đã được TKV và chủ đầu tư thỏa thuận.
Theo quan điểm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVB), TKV cần thiết phải đảm bảo đủ than cho các nhà máy điện, đặc biệt là các nhà máy điện BOT bởi vì EVN đã trả phí công suất thì EVN phải được quyền huy động tối đa công suất sẵn sàng của nhà máy, tránh gây thiệt hại cho EVN nói riêng và phía Việt Nam nói chung.
“Trong bối cảnh nguồn than trong nước cấp cho các nhà máy điện hạn chế, các chủ đầu tư dự án nhà máy điện và TKV cần phối hợp để đảm bảo tìm kiếm nhiều nguồn than khác nhau, đảm bảo đủ than cho phát điện”, EVN nêu quan điểm.
Còn theo ý kiến Bộ Công Thương, trong bối cảnh nguồn than trong nước của TKV cung cấp cấp cho các dự án nhà máy nhiệt điện rất hạn chế thì việc tìm kiếm nguồn than khác thay thế khi thiếu than là cần thiết.
Tuy nhiên theo Bộ Công Thương, về bản chất, phân bổ rủi ro đối với các dự án sử dụng than trong nước và đối với các dự án sử dụng "nguồn thay thế" là khác nhau.
“Dự án BOT nhiệt điện Nam Định 1 là dự án BOT nguồn điện cuối cùng sử dụng than trong nước do TKV cung cấp và đến nay Dự án đã triển khai được gần 10 năm. Việc thúc đẩy tiến độ dự án để sớm đưa vào vận hành thương mại là rất cần thiết để góp phần làm giảm nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới”, Bộ Công Thương cho biết.
Do vậy, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng cho phép dự án được miễn áp dụng Chỉ thị số 29 ngày 1/12/2019 của Thủ tướng, các văn bản số 642 ngày 31/5/2019… do dự án được cam kết trước đây của Chính phủ.
Thứ hai, yêu cầu TKV cam kết và bảo đảm cung cấp 100% than trong nước cho cả đời dự án và Chính phủ bảo lãnh nghĩa vụ của TKV (bao gồm cả trường hợp nhà nước không còn nắm giữ 100% vốn điều lệ của TKV).
Trước kiến nghị của Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp; Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Tập đoàn Công nghiệp - Than khoáng sản Việt Nam lấy ý kiến.