Đẩy nhanh tốc độ cải cách để không rơi vào “bẫy thể chế thu nhập trung bình”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việt Nam có nguy cơ rơi vào “bẫy thể chế thu nhập trung bình” nếu không đẩy nhanh tốc độ cải cách. Đây là nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) trong Báo cáo “Để Việt Nam tươi sắc đào xuân - Cải cách thể chế hướng tới thực thi hiệu quả” vừa công bố.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Theo WB, giống như hầu hết các quốc gia trên thế giới, Việt Nam sẽ phải tìm cách tái thiết tốt hơn sau đại dịch Covid-19 và đáp ứng tham vọng trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Con đường này khó khăn và gian nan, vì chỉ có một số rất ít quốc gia có thể chuyển từ vị trí thu nhập trung bình lên vị trí thu nhập cao trong 50 năm qua. Hàn Quốc chắc chắn là một trong những ví dụ thành công nhất khi tăng thu nhập bình quân đầu người lên gấp 6 lần trong 25 năm sau khi đạt mức thu nhập bình quân đầu người tương đương với mức của Việt Nam hiện nay. Ngược lại, Thái Lan chỉ tăng thu nhập bình quân đầu người của mình lên được 2,7 lần trong cùng một khung thời gian.

WB cho rằng, để bước lên bậc thang phát triển kinh tế đòi hỏi thể chế tốt. Điều này có thể được chứng thực thêm bằng việc so sánh đã được thực hiện trước đó giữa Hàn Quốc và Thái Lan. Các quỹ đạo tăng trưởng khác nhau của hai nước này có thể được giải thích phần lớn bởi chất lượng của các thể chế của họ trong 25 năm qua. Nếu Hàn Quốc cải thiện thể chế một cách rõ rệt, thì Thái Lan lại ghi nhận sự suy thoái.

Theo WB, Việt Nam đã từng có thể vươn lên trong nhiều dịp khác nhau trong lịch sử gần đây và đã áp dụng một hoặc một số cải cách có trong nền tảng này. Tuy nhiên, khi không ở trong tình trạng cấp bách hoặc áp lực, Chính phủ Việt Nam thực hiện cách tiếp cận dần dần. Cách tiếp cận truyền thống đã trở nên quen thuộc ở Việt Nam là xem xét thử nghiệm và thí điểm cải cách ở quy mô nhỏ, nếu thành công thì mới nhân rộng trên quy mô lớn hơn.

Những người ủng hộ tầm quan trọng của phương thức thí điểm nhấn mạnh rằng, thử nghiệm giúp làm giảm tính bất định (hay rủi ro) của các cải cách chính sách, đồng thời bảo vệ phần còn lại của nền kinh tế khỏi bất kỳ tác động tiêu cực nào từ bên ngoài gây ra trong khi thử nghiệm. Tuy nhiên, cải cách thể chế từng bước thường không toàn diện, không hệ thống, và quan trọng nhất là không kịp thời. Phương pháp tiệm tiến cũng là một quá trình dài có thể không dẫn đến kết quả cụ thể, do đó làm mất đi các cơ hội, và theo thời gian làm nản lòng những người cải cách.

Kết quả của quá trình "vừa đi vừa dừng" giữa cải cách thể chế táo bạo và cải cách từng bước này là chất lượng thể chế ở Việt Nam chỉ được cải thiện không đáng kể trong 25 năm qua. Dữ liệu từ các Chỉ số quản trị toàn cầu (WGI) - thu thập thông tin hàng năm về sáu khía cạnh quản trị - cho thấy rằng, chất lượng thậm chí đã hơi kém đi kể từ năm 2015.

Việc cải thiện chất lượng thể chế và khả năng thích ứng còn hạn chế là một mối lo, không chỉ vì điều này có nghĩa là nền tảng để triển khai thực hiện hiệu quả chưa được áp dụng rộng rãi, mà còn vì các thể chế chưa sẵn sàng cho giai đoạn phát triển kinh tế mới. Hiện nay có tương đối ít quốc gia có thu nhập trên trung bình mà không phải là nước sản xuất dầu mỏ và không có quốc gia thu nhập cao nào lại có điểm số quản trị thấp hơn Việt Nam. Khi một quốc gia càng đạt được tiến bộ trên nấc thang phát triển kinh tế, sẽ càng nhiều khả năng quốc gia đó buộc phải có các thể chế tốt hơn để quản lý các vấn đề xã hội xuất hiện cùng với các thị trường rộng lớn và tinh vi hơn, cũng như đáp ứng nhu cầu của một xã hội đòi hỏi cao hơn.

Theo Nhóm nghiên cứu Báo cáo, “hoạch định chính sách thường được coi là nghệ thuật quản lý sự đánh đổi”. Ở Việt Nam, một mục tiêu chính sách truyền thống là tìm kiếm sự cân bằng giữa ổn định thể chế và khả năng thích ứng. Do những thay đổi quan trọng trong bối cảnh toàn cầu và việc phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước theo hướng hiệu quả hơn, trong giai đoạn phát triển kinh tế tiếp theo, việc tập trung vào khả năng thích ứng có thể trở nên cấp thiết hơn. Khả năng thích ứng như vậy sẽ giúp Việt Nam không chỉ giải quyết những thách thức mới phát sinh từ cuộc khủng hoảng Covid-19, mà còn thực hiện được các ưu tiên phát triển của mình nhanh hơn và tốt hơn.

WB khuyến nghị sáu ưu tiên phát triển sẽ giúp Việt Nam không chỉ chèo lái vượt qua được thời kỳ hậu đại dịch, mà còn đạt được hiệu quả cao hơn trong việc sử dụng vốn của mình - điều này là cấp thiết cho một quá trình chuyển đổi mạnh mẽ từ vị trí là nước có thu nhập trung bình sang thu nhập cao.

Ưu tiên 1: Thích ứng với quá trình toàn cầu hóa chậm hơn bằng cách tập trung vào nâng cao giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu và đẩy mạnh thương mại dịch vụ.

Ưu tiên 2: Tăng tốc độ số hóa nền kinh tế.

Ưu tiên 3: Chuyển từ “tăng trưởng bằng mọi giá” sang “xây dựng nền kinh tế xanh và bền vững”.

Ưu tiên 4: Tăng cường cơ sở hạ tầng bằng cách cải thiện chất lượng chi tiêu công và gia tăng các giải pháp thu hút khu vực tư nhân.

Ưu tiên 5: Cân bằng sự ổn định của ngành ngân hàng với việc mở rộng tài chính toàn diện và phát triển thị trường vốn về chiều sâu.

Ưu tiên 6: Chuyển từ nỗ lực giảm nghèo từng phần sang một chương trình bảo trợ xã hội trên toàn quốc.

Chuyên đề