Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tạo động lực tăng trưởng năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tổng số vốn đầu tư công phải giải ngân năm 2023 là hơn 700 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với năm 2022. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường với các yếu tố rủi ro gia tăng.
Giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước 11 tháng năm 2022 ước đạt 338.319,81 tỷ đồng, bằng 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: Tường Lâm
Giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước 11 tháng năm 2022 ước đạt 338.319,81 tỷ đồng, bằng 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: Tường Lâm

Số giải ngân tuyệt đối cao nhất so với các năm trước

Sáng 17/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo chuyên đề “Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công tạo động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023”, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức”.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) từ đầu năm đến ngày 30/11/2022 là 338.319,81 tỷ đồng, đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 và một số năm gần đây, nhưng là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so với các năm trước.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Trần Tuyết

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Trần Tuyết

Năm 2022, NSNN tiếp tục tập trung, tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông quan trọng quốc gia và hạ tầng đô thị lớn, thúc đẩy liên kết vùng nhằm hỗ trợ các vùng phát triển, tạo ra các khu vực và cực tăng trưởng mới. Đến nay, đã đưa vào sử dụng một số dự án hạ tầng quan trọng như đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, đoạn La Sơn - Túy Loan, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Thủ Thiêm 2; đang đôn đốc, phấn đấu cơ bản hoàn thành 361 km đường cao tốc Bắc - Nam trong năm 2022 (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây); khởi công xây dựng Sân bay Long Thành, nhà ga T3 Sân bay Tân Sơn Nhất, Sân bay Phan Thiết…

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, kế hoạch đầu tư công năm 2022 thực hiện trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhiều thay đổi nhanh, mạnh cùng những yếu tố mới xuất hiện, nằm ngoài dự báo, đồng thời là năm đầu tiên triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nên cần thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án. Đây cũng là năm có số vốn cần giải ngân khá lớn, tăng 26% (120 nghìn tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2021 và là năm chịu tác động của nhiều yếu tố từ bên ngoài dẫn tới giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước, phí vận chuyển hàng hóa quốc tế... tăng cao.

Do vậy, có nhiều nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Có nguyên nhân khách quan và chủ quan, có những nguyên nhân tồn tại trong nhiều năm, có những nguyên nhân mang tính đặc thù của từng năm kế hoạch. Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Bộ KH&ĐT đã báo cáo, tổng hợp 3 nhóm nguyên nhân chủ yếu, đó là nhóm thể chế, chính sách pháp luật; nhóm khó khăn liên quan đến tổ chức, triển khai thực hiện; nhóm khó khăn liên quan đến những đặc thù của năm 2022 với 39 nhóm vấn đề vướng mắc quy định tại các nghị định của Chính phủ và văn bản pháp luật liên quan đến 7 lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách và công sản, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản, đầu tư công.

Ví dụ, liên quan đến lĩnh vực đất đai, chưa quy định rõ thẩm quyền bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án đi qua 2 địa phương, trong khi nhu cầu triển khai các dự án liên vùng để liên thương giữa các địa phương là rất lớn. Hay trong lĩnh vực môi trường, việc yêu cầu lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với tất cả các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa dù là 1 m2 cũng cần rà soát lại.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc niên độ ngân sách năm 2022, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ, trong đó đôn đốc chủ đầu tư triển khai thi công, có khối lượng ra kho bạc thanh toán ngay.

Nỗ lực thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023

Năm 2023, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Trong bối cảnh đó, khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công có vai trò hết sức quan trọng, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới cho các bộ, ngành, địa phương, góp phần phát triển nhanh và bền vững.

Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 700 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 25% (khoảng 140 nghìn tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021 (năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025). Năm 2023 cũng yêu cầu phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, hoạt động đầu tư công vẫn còn nhiều hạn chế đã tồn tại từ lâu, chưa xử lý được trong thời gian ngắn như công tác giải phóng mặt bằng, chất lượng chuẩn bị dự án, năng lực ban quản lý dự án, nhà thầu…

Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2022 và năm 2023 là rất nặng nề. Do vậy, để thực hiện thành công kế hoạch đầu tư công năm 2023, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như: rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động các dự án đầu tư công, trước tiên là sửa ngay các bất cập đã phát hiện trong năm 2022 như đã nêu ở trên nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, có nhiều yếu tố tác động đến đầu vào của hoạt động đầu tư công.

Cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án bố trí kế hoạch vốn năm 2023, đặc biệt là các dự án khởi công mới, lựa chọn dự án đủ thủ tục đầu tư, đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án.

Khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023 cho các nhiệm vụ, dự án trước ngày 31/12/2022 để có thể giải ngân từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2023. Việc phân bổ phải bảo đảm nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực, địa phương và các quy hoạch đã được phê duyệt.

Triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, chấn chỉnh khâu chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu năm 2023, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, bảo đảm các mục tiêu đề ra. Đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông quan trọng, trọng điểm quốc gia, có tính liên vùng, hạ tầng đô thị lớn, các dự án đường sắt đô thị, hạ tầng văn hóa, xã hội. Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là hình thức hợp tác công tư. Thực hiện quyết liệt Nghị quyết của Quốc hội, phấn đấu hoàn thành việc phê duyệt trong năm 2023 các quy hoạch còn lại trong hệ thống quy hoạch quốc gia theo Luật Quy hoạch.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch thông tin, phòng chống tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm trong đầu tư công.

Chuyên đề