Dược phẩm Cửu Long và Rhinos Asset Management ký kết hợp tác mua bán trái phiếu |
Đây được xem là cơ hội để Việt Nam thông tin đến đối tác các chính sách mở cửa thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư FII nhằm phát triển TTCK.
Đã hiện thực hoá nhiều kế hoạch đầu tư lớn
Trong chương trình của đoàn công tác từ ngày 16 - 19/4/2018, Hội nghị Xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc sẽ được tổ chức. Tại hội nghị này, đại diện cơ quan quản lý của Việt Nam sẽ đối thoại với doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giải đáp các kiến nghị của nhà đầu tư Hàn Quốc trong đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là đầu tư trên TTCK.
Trong thành phần đoàn công tác, ngoài đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, còn có sự tham gia của các DN niêm yết và một số DN đang và sẽ tiến hành cổ phần hóa. Chính vì vậy, Hội nghị được coi là cơ hội để các DN lớn của Việt Nam tiếp cận với các nhà đầu tư tài chính, ngân hàng, DN bảo hiểm của Hàn Quốc, kêu gọi và thúc đẩy các hoạt động đầu tư tài chính, bảo hiểm tại Việt Nam.
Dành nhiều sự quan tâm đến thị trường tài chính Việt Nam, đến thời điểm này, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã có gần 50 thương vụ đầu tư vào thị trường tài chính trong nước thông qua việc mua lại cổ phần, cổ phiếu, M&A các DN. Điển hình có thể kể đến thương vụ Quỹ đầu tư Vietnam Phoenix Fund Limited bỏ ra 2,8 triệu USD mua cổ phần của Công ty CP Nhựa và Môi trường xanh An Phát năm 2009; thương vụ Công ty CP Gelex nhận khoản đầu tư 79 triệu USD từ Hàn Quốc năm 2016; và mới nhất là thương vụ Quỹ đầu tư Rhinos Asset Management chi 20 triệu USD mua trái phiếu chuyển đổi của Công ty CP Dược phẩm Cửu Long năm 2017…
Sự hiện diện của nhà đầu tư Hàn Quốc còn thấy rõ tại nhiều tập đoàn lớn mang tầm quốc tế của Việt Nam như FPT, An Phát Holdings… Với sự góp vốn của các nhà đầu tư Hàn Quốc, nhiều kế hoạch kinh doanh táo bạo nhưng đầy tiềm năng đã được các tập đoàn thiết lập với mục tiêu rõ ràng để hiện thực hoá, điển hình là kế hoạch đưa doanh thu đến năm 2025 chạm mốc 1 tỷ USD của An Phát Holdings.
Một thông tin tích cực là cuối năm ngoái, Công ty Samsung Securities của Hàn Quốc đã trở thành một trong những nhà đầu tư của Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital. Sự kiện này được giới chuyên gia tài chính dự báo là khởi đầu cho một làn sóng đầu tư gián tiếp mới thông qua TTCK từ các nhà đầu tư Hàn Quốc. Bởi, Dragon Capital có thể sẽ thành lập nhiều quỹ đầu tư nhằm huy động nguồn vốn từ Hàn Quốc đầu tư vào các DN của Việt Nam.
Sức hấp dẫn từ doanh nghiệp cổ phần hoá
Theo phân tích của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, có nhiều lý do khiến nhà đầu tư Hàn Quốc dành sự quan tâm đặc biệt đến thị trường Việt Nam, trong đó có sự hấp dẫn của các DN nhà nước sẽ được cổ phần hóa từ nay đến năm 2020.
“Thị trường chứng khoán Việt Nam có khoảng 30 DN có giá trị rất lớn, quy mô vốn hóa từ 1 tỷ USD và các DN này đều có khát vọng vươn tầm quốc tế. Vinamilk, Vietcombank, Sabeco, Habeco, Vingroup, PVPower, PVOil... chính là những “cơ hội lớn rộng mở” mà nhà đầu tư Hàn Quốc không muốn bỏ qua”, Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định.
Sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam thực tế đã được nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhận diện. Có lẽ vì không muốn chậm chân, nên hiện tại nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đã bắt đầu hiện thực hoá một số kế hoạch đầu tư vào các lĩnh vực trọng yếu và nhiều tiềm năng của Việt Nam như cảng biển, logistics, hàng không hay bất động sản…
Theo tính toán sơ bộ của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, các thương vụ IPO (phát hành lần đầu ra công chúng), thoái vốn từ các DN Việt Nam năm 2018 có quy mô khoảng 4 tỷ USD. Các DN dự kiến thoái vốn này đều đang có hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt, tình hình tài chính minh bạch. Đây sẽ là cơ hội tốt cho nhà đầu tư Hàn Quốc đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam trong năm nay.