Dự án thành phần 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thuộc địa phận tỉnh Đồng Tháp có chiều dài khoảng 16 km, tổng mức đầu tư 3.640 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Lê Tiên |
Xin ông cho biết thêm thông tin về quá trình triển khai công tác chuẩn bị đầu tư Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu?
Dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 24/6/2022 với tổng mức đầu tư là 5.886 tỷ đồng. Tuyến cao tốc này được đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước, thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2027, đi qua các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang. Dự án thành phần (DATP) 1 thuộc địa phận tỉnh Đồng Tháp có chiều dài khoảng 16 km, tổng mức đầu tư 3.640 tỷ đồng, do UBND tỉnh Đồng Tháp là Cơ quan chủ quản.
Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu là dự án quan trọng, được áp dụng cơ chế đặc thù, thời gian triển khai gấp rút. Do đó, công tác chuẩn bị đầu tư của Đồng Tháp được thực hiện rất khẩn trương, Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án được thành lập do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo. UBND Tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan hoàn thành khâu thiết kế, dự toán, lựa chọn nhà thầu bảo đảm quy trình và tiến độ đề ra.
Đến nay, về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), đã chi trả cho 511 trên tổng số 533 hộ dân, đạt tỷ lệ 95,9%; giá trị chi trả 478,3 tỷ đồng trên tổng số 512,8 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 93,3%. Công tác rà phá bom mìn, vật nổ đã hoàn thành trong tháng 5/2023. Công tác lựa chọn nhà thầu thi công cũng đã hoàn tất.
Chúng tôi đánh giá, khó khăn chính trong quá trình chuẩn bị đầu tư Dự án là GPMB, do còn khoảng hơn 4% hộ chưa đồng thuận.
Tỉnh có những giải pháp nào để đưa Dự án về đích thành công, thưa ông?
Sau khi khởi công, chúng tôi tập trung chỉ đạo Chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu xây dựng kế hoạch phương án thi công chi tiết, huy động nhân lực thiết bị máy móc hiện đại thi công, tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật theo quy định. Tỉnh sẽ theo dõi sát tiến độ thi công, kịp thời đưa ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc để thi công hoàn thành đúng và vượt kế hoạch. Ngoài ra, UBND Tỉnh chỉ đạo các cơ quan phối hợp bảo đảm cung cấp đủ, kịp thời nhu cầu vật liệu xây dựng cho Dự án. Tới đây, Đồng Tháp sẽ phối hợp cùng tỉnh Tiền Giang và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thống nhất ban hành quy chế phối hợp triển khai thực hiện Dự án, cũng như thúc đẩy phía Tiền Giang sớm triển khai thực hiện, hoàn thành để kết nối, khai thác sử dụng toàn tuyến.
Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội phát triển mới cho Đồng Tháp. Tỉnh có kế hoạch gì để tận dụng cơ hội từ cao tốc này, thưa ông?
Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội đối với Đồng Tháp nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung. Tuyến cao tốc này hình thành trục ngang kết nối với các tuyến cao tốc: Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bắc - Nam phía Đông, Cao Lãnh - Vàm Cống (kết nối với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và đi Rạch Giá - Kiên Giang), Mỹ An - Cao Lãnh (đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, kết nối tỉnh Long An, TP.HCM.
Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu sẽ góp phần từng bước hình thành mạng lưới đường cao tốc vùng ĐBSCL, đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo không gian kết nối và phát triển vùng, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển; phát triển cụm liên kết ngành; nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Để khai thác tốt cơ hội phát triển từ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, chúng tôi đã hình thành các cụm liên kết ngành, chuỗi kết nối và đưa vào Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ tiếp giáp theo tuyến; kết nối các khu, cụm công nghiệp và vùng sản xuất hiện nay để chế biến và tiêu thụ thông qua tuyến này đi TP.HCM và ngược lại. Tỉnh đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, đề xuất chính sách phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp thành khu kinh tế tổng hợp, là cửa ngõ của vùng ĐBSCL.