Một cơ sở khai thác dầu tại Hắc Long Giang (Trung Quốc). Ảnh:Reuters |
Giá dầu Brent hiện giảm 1,9%, về 29,37 USD một thùng. Giá dầu thô Mỹ WTI cũng mất 4,15% về 24,27 USD.
Dầu thô đi xuống do các nhà buôn nghi ngờ Nga và Saudi Arabia có thể đạt thỏa thuận với mức cắt giảm sản xuất lớn như thông báo hôm qua của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Trump tối 2/4 viết trên Twitter rằng: "Tôi vừa nói chuyện với người bạn của mình – Thái tử Saudi Arabia – người cũng mới thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tôi hy vọng họ sẽ cắt giảm sản xuất khoảng 10 triệu thùng hoặc hơn nữa. Nếu điều này xảy ra, nó sẽ là tin tuyệt vời cho ngành dầu khí". Nửa tiếng sau, ông cho biết con số này "có thể lên tới 15 triệu thùng".
Trump nói rằng hai nước ra tín hiệu sẵn sàng đạt thỏa thuận. Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng con số lớn như vậy sẽ cần sự tham gia của các nước sản xuất dầu lớn khác ngoài OPEC.
Tổng thống Mỹ gần đây rất tích cực thảo luận với Saudi Arabia và Nga về thị trường dầu. Saudi Arabia hôm qua cho biết sẽ kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp với các nước OPEC. WSJ đưa tin vương quốc này cân nhắc giảm sản lượng xuống 9 triệu thùng mỗi ngày, thấp hơn 3 triệu thùng so với kế hoạch ban đầu cho tháng 4.
Cùng ngày, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak thông báo Moskva sẽ không thực hiện kế hoạch tăng sản lượng nữa và sẵn sàng hợp tác với OPEC cùng các nước sản xuất khác để bình ổn thị trường.
Những thông tin này đã giúp giá dầu thô hôm qua tăng vọt. Dầu Brent chốt phiên tăng 21% lên 29,94 USD. Dầu WTI tăng 24,7% lên 25,32 USD. Trong phiên, mức tăng có thời điểm lên kỷ lục 47% và 35%.
Dù vậy, tính từ đầu năm, dầu thô vẫn mất hơn nửa giá. Thị trường lao dốc từ đầu tháng 3, sau khi Saudi Arabia và Nga không thể đạt thỏa thuận gia hạn chương trình giảm sản xuất. Saudi Arabia sau đó tuyên bố giảm giá bán dầu và sẽ tăng sản xuất lên hơn 12 triệu thùng một ngày từ tháng này.
Việc này diễn ra trong bối cảnh đại dịch khiến nhu cầu nhiên liệu giảm mạnh. Dầu thô Mỹ WTI nhiều lần xuống dưới 20 USD một thùng vài ngày gần đây.
"Câu hỏi đặt ra là liệu họ có khả năng đồng thuận không? Nga có vẻ đã dễ tiếp cận hơn so với cách đây một tháng", Gene McGillian – Phó giám đốc nghiên cứu thị trường tại Tradition Energy nhận định.
Trong khi đó, các nhà phân tích tại Capital Economics cho biết: "Bất chấp các tin tức hôm nay, chúng tôi vẫn ngờ vực khả năng đạt thỏa thuận cắt giảm sản xuất". Họ cho rằng Saudi Arabia khó giảm sản lượng trừ phi Nga và các nước phi OPEC khác cùng tham gia.