Đấu thầu xanh hướng tới tăng trưởng xanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Xác định vai trò của tăng trưởng xanh trong việc thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách mua sắm công xanh, tích hợp các tiêu chí mua sắm công xanh vào quá trình lựa chọn nhà thầu.
Việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ để xây dựng các công trình thân thiện hơn với môi trường là xu hướng của thế giới. Ảnh: Tiên Giang
Việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ để xây dựng các công trình thân thiện hơn với môi trường là xu hướng của thế giới. Ảnh: Tiên Giang

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 khẳng định, tăng trưởng xanh là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức liên quan, được thúc đẩy bằng tinh thần đổi mới sáng tạo và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, bền vững. Tăng trưởng xanh phải dựa vào thể chế và quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với bối cảnh quốc tế và điều kiện trong nước. Tăng trưởng xanh định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững; tạo động lực để đầu tư tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế xanh.

Nhằm từng bước hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, thời gian qua, Bộ KH&ĐT đã dần xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách mua sắm công xanh; tích hợp các tiêu chí mua sắm công xanh vào quá trình lựa chọn nhà thầu; xây dựng cơ chế ưu đãi cụ thể đối với các doanh nghiệp tham gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ xanh.

Cụ thể, tại Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, đã lồng ghép tiêu chí đấu thầu bền vững (đấu thầu xanh), có ưu đãi và khuyến khích đối với nhà thầu lựa chọn áp dụng các tiêu chí xanh khi tham gia đấu thầu. Theo đó, khi hướng dẫn xây dựng các tiêu chí đánh giá về kỹ thuật đối với gói thầu mua sắm hàng hóa và gói thầu xây lắp, Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT đã cụ thể hóa 6 tiêu chí làm cơ sở để đánh giá về kỹ thuật, trong đó có 3 tiêu chí liên quan đến môi trường như: khả năng thích ứng về địa lý, môi trường; tác động đối với môi trường và biện pháp giải quyết; tiêu chí đấu thầu bền vững (nếu có). Đối với tiêu chí đấu thầu bền vững, tại các mẫu hồ sơ mời thầu đã có những hướng dẫn cụ thể nhằm cụ thể hóa nội dung này với gói thầu mua sắm hàng hóa hoặc xây lắp. Theo đó, chủ đầu tư, bên mời thầu có thể lượng hóa thành tiền một đơn vị chênh lệch của thông số, chỉ số về thân thiện môi trường, xã hội… so với mức yêu cầu tối thiểu hoặc được lượng hóa bằng điểm cộng ưu đãi trong bảng chấm điểm đối với hồ sơ dự thầu (HSDT).

Tại Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện, Bộ KH&ĐT cũng lồng ghép các quy định về đấu thầu xanh, đấu thầu bền vững trong công tác lựa chọn nhà thầu.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Cienco4 cho biết, việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ để quá trình thi công xây dựng trở nên “xanh” hơn, thân thiện hơn với môi trường là xu hướng của thế giới, nhất là khi vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng đe dọa nhiều hơn đến đời sống con người. Tuy nhiên, việc áp dụng các công nghệ xanh, vật liệu xanh, xử lý rác thải an toàn… vào quá trình triển khai gói thầu, dự án sẽ làm gia tăng đáng kể chi phí. Trong khi đó, muốn trúng thầu thì giá dự thầu phải rất cạnh tranh, phải tiết giảm tối đa chi phí và ngân sách nhà nước. Chính vì vậy, muốn nhà thầu tham gia đấu thầu xanh, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ xanh thì mọi chi phí “xanh” phải được hạch toán, tính đúng, tính đủ trong giá gói thầu. Việc cộng điểm ưu tiên trong thang điểm kỹ thuật phải được cụ thể hóa và rất rõ ràng thì nhà thầu mới dám mạnh dạn đề xuất các giải pháp thi công xanh trong HSDT. Về lâu dài, nhà thầu sẽ phải đầu tư các dây chuyền công nghệ xanh, sạch hơn, sản xuất các vật liệu xây dựng thân thiện hơn với môi trường.

Theo ông Phạm Văn Cửu, Giám đốc Chi nhánh Tổng công ty Thái Sơn tại Hà Nội, ai cũng biết tầm quan trọng của việc phải bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc áp dụng quy trình đấu thầu xanh hiện nay là không dễ thực hiện vì thói quen, công nghệ thi công, cơ sở vật chất, máy móc hiện có của nhà thầu vẫn chưa đáp ứng được điều này. Việc chuyển đổi sang các sản phẩm, biện pháp thi công xanh, sạch, ít tổn thương đến môi trường đòi hỏi phải có thời gian và tốn không ít chi phí, trong khi nguồn lực hiện nay của nhà thầu rất hạn chế. Nếu không có quyết tâm của cả hệ thống các cấp, có các quy định ràng buộc cụ thể mà chỉ dừng ở các chủ trương, cơ chế, chính sách khuyến khích thì sẽ khó hiện thực hóa về đấu thầu xanh. Khi làm HSDT, trong khả năng của mình, nhà thầu bao giờ cũng cố gắng đáp ứng tối đa yêu cầu của chủ đầu tư. Vì thế, giải pháp trước mắt là chủ đầu tư, bên mời thầu cần đưa được tiêu chí đấu thầu xanh vào khi xây dựng HSMT. Như vậy thì mới tạo sức ép và cũng là động lực để nhà thầu xây dựng giải pháp thi công xanh.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư