Gói thầu số 02 Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng thuộc Chương trình 135 năm 2018 do Ban Dân tộc tỉnh Sơn La làm chủ đầu tư trực tiếp mời thầu. Ảnh: Ngọc Anh |
Chủ đầu tư phớt lờ kiến nghị của nhà thầu?
Như Báo Đấu thầu đã đưa tin, gói thầu nêu trên sử dụng nguồn vốn được giao tại Quyết định số 119/QĐ-UBND ngày 19/01/2018 của UBND tỉnh Sơn La, được đấu thầu rộng rãi trong nước theo phương thức 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ, do Ban Dân tộc tỉnh Sơn La làm chủ đầu tư trực tiếp mời thầu. Gói thầu được đóng thầu vào 14h thứ Bảy ngày 18/8/2018.
Sau khi mua sơ mời thầu (HSMT), một số nhà thầu đã có đơn kiến nghị gửi Chủ đầu tư đề nghị bỏ yêu cầu hạn chế nhà thầu vì vi phạm Khoản 2 Điều 12 Nghị định 63/2014/NĐ-CP (NĐ63) nhưng không được Chủ đầu tư chấp thuận, trước sau vẫn bao biện cho tiêu chí “khu biệt” nhà thầu tham gia đấu thầu. Điều đáng nói là trong khi nhà thầu nhiều lần gửi văn bản kiến nghị đến Chủ đầu tư (kiến nghị sửa HSMT, kiến nghị về kết quả đánh giá HSDT) vẫn chưa được giải quyết thì chiều ngày 4/9/2018, tại Hội trường Ban Dân tộc tỉnh Sơn La đã diễn ra Lễ ký hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn trúng thầu là Công ty CP Pro Phương Nam.
Tại văn bản gửi UBND tỉnh Sơn La ngày 5/9/2018, Sở KH&ĐT tỉnh Sơn La đề nghị UBND tỉnh này chỉ đạo Ban Dân tộc Tỉnh (Chủ đầu tư) khẩn trương nghiên cứu quy định tại Điều 92 Luật Đấu thầu và các quy định hiện hành, có văn bản trả lời nhà thầu kiến nghị trên cơ sở quy định của pháp luật đấu thầu. Văn bản trả lời kiến nghị của Chủ đầu tư phải được gửi đồng thời cho UBND tỉnh Sơn La, Sở KH&ĐT, Sở Tài chính để biết. Sở KH&ĐT cũng đề nghị UBND tỉnh Sơn La chỉ đạo Chủ đầu tư báo cáo toàn bộ quá trình thực hiện lựa chọn nhà thầu đối với Gói thầu số 02, trong đó đánh giá kết quả đạt được; tồn tại, hạn chế; nguyên nhân tồn tại, hạn chế; kiến nghị xử lý (nếu có) gửi UBND Tỉnh, Sở KH&ĐT, Sở Tài chính.
Nội dung kiến nghị của nhà thầu
Trước đó, ngày 29/8/2018, một nhà thầu đã gửi Đơn kiến nghị lần 2 tới Chủ đầu tư để phản đối kết quả đánh giá HSDT. Nhà thầu cho rằng, các hợp đồng tương tự mà nhà thầu này cung cấp trong HSDT đều đáp ứng về quy mô và tính chất tương tự cụ thể với gói thầu đang xét (đều có các hạng mục cơ bản như đúng yêu cầu của HSMT). Bên mời thầu viện dẫn lý do Nhà thầu không có hợp đồng tương tự thuộc Chương trình 135 là không phù hợp với pháp luật về đấu thầu. Trong quá trình chuẩn bị HSDT, Nhà thầu đã có văn bản kiến nghị và làm rõ HSMT liên quan đến các tiêu chí vi phạm Khoản 2 Điều 12 NĐ63 nhưng Bên mời thầu không tiến hành chỉnh sửa HSMT.
Nhà thầu kiến nghị cũng cho biết, đơn vị tư vấn lập HSMT là Công ty CP Tư vấn Đào tạo Bách Việt đưa ra các yêu cầu hạn chế sự tham gia của nhà thầu và không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu. Nhà thầu đề nghị Bên mời thầu xem xét lại năng lực của đơn vị tư vấn lựa chọn nhà thầu này vì theo tìm hiểu của Nhà thầu, Công ty CP Tư vấn Đào tạo Bách Việt không đáp ứng đủ năng lực của tổ chức tư vấn đấu thầu theo pháp luật về đấu thầu.
Bên cạnh đó, Nhà thầu kiến nghị cho biết, giá của nhà thầu xếp thứ nhất - là Công ty CP Pro Phương Nam với 6.643 triệu đồng, chỉ giảm 0,4% so với giá gói thầu được duyệt. Trong khi giá dự thầu của Nhà thầu kiến nghị thấp hơn gần 1 tỷ đồng so với giá gói thầu được duyệt (giảm 15%) lại bị loại bởi chính tiêu chí “riêng”, hạn chế sự tham gia của nhà thầu. Nhà thầu cho rằng, đây là dấu hiệu có sự cố ý đưa vào HSMT yêu cầu nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu để chỉ có 1 nhà thầu đáp ứng yêu cầu của HSMT. Đây là hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu, đặc biệt làm trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước.