Ban QLDA đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện 42 gói thầu. Tất cả các gói thầu đều được đấu thầu qua mạng |
Theo tìm hiểu, các gói thầu nêu trên đều có giá dưới 55 tỷ đồng, được đấu thầu rộng rãi qua mạng, thời gian thực hiện hợp đồng từ 30 tháng trở xuống, chủ yếu áp dụng loại hợp đồng trọn gói.
Trong đó, quy mô lớn nhất là Gói thầu Thi công xây dựng hạng mục đường vành đai phía Đông thị trấn Di Linh, huyện Di Linh. Tại gói thầu này Liên danh Công ty TNHH Sản xuất Xây dựng Thương mại Đại Á Châu - Công ty TNHH Zenca trúng thầu với giá 53,706 tỷ đồng (giá gói thầu 54,112 tỷ đồng); thời gian thực hiện hợp đồng 29 tháng, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh.
Tại Gói thầu Thi công xây dựng hạng mục nâng cấp đường liên xã Đinh Trang Hòa đi Tân Lâm, huyện Di Linh, Công ty TNHH Nam Phan trúng thầu với giá 51,224 tỷ đồng (giá gói thầu 51,425 tỷ đồng); thời gian thực hiện hợp đồng 30 tháng, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh.
Tại Gói thầu Thi công xây dựng, cung cấp thiết bị Trường Tiểu học Tân Thượng và nâng cấp Trường Tiểu học Liên Đầm II, huyện Di Linh, Liên danh Công ty TNHH Tuấn Ngọc - Công ty TNHH Sản xuất Xây dựng Thương mại Đại Á Châu - Doanh nghiệp tư nhân Bá Trường - Công ty TNHH Thương mại và Kỹ thuật Viễn Đông trúng thầu với giá 28,568 tỷ đồng (giá gói thầu 28,747 tỷ đồng); thời gian thực hiện hợp đồng 20 tháng, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh…
Những gói thầu còn lại đa phần có quy mô nhỏ và áp dụng loại hợp đồng trọn gói.
Trao đổi với phóng viên, một cán bộ của Bên mời thầu cho biết, năm 2022, tất cả các gói thầu của Ban đều được đấu thầu qua mạng. Đây là hình thức đấu thầu được khuyến khích và công khai minh bạch quá trình lựa chọn nhà thầu, nhưng thực tiễn triển khai thì các gói thầu không nhận được sự quan tâm của nhiều nhà thầu. Các năm trước, khi vẫn còn một tỷ lệ gói thầu được tổ chức đấu thầu truyền thống, tính trung bình số lượng nhà thầu tham gia ở mỗi gói thầu đều lớn hơn khi thực hiện đấu thầu qua mạng. Ngoài ra, một số nhà thầu có bày tỏ băn khoăn về việc áp dụng hình thức hợp đồng trọn gói trong bối cảnh giá xăng, vật liệu xây dựng, nhân công liên tục tăng. Nhiều gói thầu có thời gian thực hiện hơn 2 năm, áp dụng loại hợp đồng trọn gói sẽ có nhiều rủi ro với nhà thầu nên họ không “mặn mà”. Tuy nhiên, việc phê duyệt loại hợp đồng nào là do UBND tỉnh Lâm Đồng quy định trên cơ sở các quy định của pháp luật, chứ Ban không quyết định được.
Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Chủ tịch HĐQT DVL Group cho rằng, đấu thầu qua mạng không quy định bắt buộc số lượng nhà thầu tham gia (đấu thầu truyền thống quy định tối thiểu phải có 3 nhà thầu tham dự mới tiến hành mở thầu, trường hợp ít hơn 3 nhà thầu phải có ý kiến của chủ đầu tư, cấp có thẩm quyền về xử lý tình huống trong đấu thầu). Về bản chất, nhà thầu duy nhất nộp HSDT và trúng thầu là nhà thầu đã quan tâm, theo đuổi gói thầu, dự án đó.
Còn TS. Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia về đấu thầu thì cho rằng, các cơ quan chức năng cần thường xuyên tổng kết, rà soát để có giải pháp phù hợp với tình trạng đấu thầu qua mạng với chỉ 1 nhà thầu nộp HSDT và trúng thầu diễn ra phổ biến hiện nay. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể là nhiều nhà thầu vẫn “ngần ngại” khi đấu thầu qua mạng, nhà thầu chưa chuẩn bị tốt về nhân lực, công nghệ; nhiều gói thầu đấu thầu qua mạng nhưng vẫn “cài cắm” các điều kiện cản trở nhà thầu tham gia… Việc rà soát, tổng kết và giám sát thực tiễn đấu thầu qua mạng sẽ giúp đưa ra các giải pháp điều chỉnh, xử lý kịp thời, phát hiện các bất cập cũng như lỗ hổng chính sách nhằm giúp công tác đấu thầu qua mạng ngày càng công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả hơn.