Đầu tàu Đông Nam Bộ cần thêm “lực kéo” để bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong 6 tháng đầu năm 2022, đầu tàu kinh tế Đông Nam Bộ tiếp tục phục hồi tích cực, tạo sự tin tưởng cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Trong bối cảnh tình hình quốc tế và dịch bệnh khó lường, những tháng cuối năm, các địa phương Đông Nam Bộ đối mặt với nhiều biến số, thách thức, cần lời giải để không ảnh hưởng tới đà phục hồi và chất lượng tăng trưởng.
Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn của tỉnh Đồng Nai đạt 7,06%, cao nhất khu vực Đông Nam Bộ. Ảnh: Lê Tiên
Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn của tỉnh Đồng Nai đạt 7,06%, cao nhất khu vực Đông Nam Bộ. Ảnh: Lê Tiên

Kinh tế phục hồi nhanh

Điểm sáng dễ nhận thấy nhất trong báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của 4 địa phương lớn trong khu vực (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu) là kinh tế phục hồi tích cực. Đơn cử, về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), TP.HCM đạt tốc độ tăng trưởng 3,82% so với cùng kỳ năm 2021. Xét trong tương quan từ mức giảm sâu -24,97% và -11,64% lần lượt của quý III và IV năm 2021, 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế TP.HCM có đà phục hồi ổn định, rất tích cực và trở lại như trước khi dịch bệnh xảy ra. Cùng trong xu hướng phục hồi tích cực, GRDP của Bình Dương tăng 6,84%, Đồng Nai tăng 7,06%, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 3,41% so với cùng kỳ năm trước.

Minh chứng rõ hơn cho đà phục hồi là các chỉ số kinh tế quan trọng đều được chính quyền các địa phương đánh giá rất khả quan. Cụ thể, TP.HCM có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,1%, trong đó 4 ngành công nghiệp trọng yếu đều tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 13,8%, tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 13,7%, tổng thu ngân sách nhà nước tăng 17,49% và tổng doanh thu du lịch tăng 29,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Bình Dương, sản xuất công nghiệp và xây dựng phục hồi nhanh, các ngành công nghiệp chủ lực tiếp tục là “lực kéo” cho tăng trưởng. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nửa đầu năm ghi nhận thu hút tổng số vốn 2,522 tỷ USD, đạt 171% kế hoạch năm, tăng 91% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, Bà Rịa - Vũng Tàu có 5/11 chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng cao: thu ngân sách nhà nước đạt 74% dự toán năm, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 23,78%, dịch vụ lưu trú tăng 45,42%, dịch vụ cảng tăng 5,94%, vốn FDI đăng ký mới tăng 49,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo đánh giá của Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai, mức tăng trưởng GRDP của địa phương này cao nhất khu vực Đông Nam Bộ. Điều này cho thấy nỗ lực phấn đấu phục hồi sản xuất, kinh doanh của các ngành, doanh nghiệp. Đặc biệt, sản xuất công nghiệp, xây dựng phục hồi nhanh và chiếm tỷ trọng 60% trong GRDP, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng chung.

Khắc phục khó khăn, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công

Dù hứng khởi trước đà phục hồi tích cực của đầu tàu kinh tế Đông Nam Bộ, song các địa phương và doanh nghiệp vẫn lo lắng trước nhiều biến số khó lường đến từ tình hình kinh tế - chính trị thế giới và những khó khăn trong nước như: giá cả leo thang, lạm phát tăng; áp lực tăng lãi suất ngân hàng và sự chậm chễ giải ngân đầu tư công. Các biến số này tác động rất lớn tới sản xuất công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, xuất khẩu và tổng cầu của kinh tế khu vực.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Trần Thọ Huy, Tổng giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam (TP.HCM) cho biết, các doanh nghiệp rất lo ngại về tình trạng giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, chi phí sản xuất tăng khiến sức cạnh tranh của sản phẩm giảm mạnh. Trong 6 tháng cuối năm 2022, doanh nghiệp chỉ dám hy vọng giữ vững, ổn định sản xuất, thị trường như hiện tại mà không nghĩ tới lợi nhuận.

Năm 2022, tổng lượng vốn đầu tư công trong kế hoạch của 4 địa phương TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 75.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân còn thấp như TP.HCM khoảng 17%, Bình Dương đạt 20,8%, Đồng Nai đạt 16,8% và Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 20,85%. Những con số này cho thấy còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc trong đầu tư công và lượng vốn chưa “tiêu” được là rất lớn. Nếu lượng vốn này chậm được “giải phóng” thì quá trình phục hồi kinh tế 6 tháng cuối năm 2022 của khu vực Đông Nam Bộ khó có thể như kỳ vọng của chính quyền các địa phương. Lãnh đạo UBND 4 địa phương đang chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, theo đó tăng cường kỷ luật, rà soát việc phân bổ kế hoạch phù hợp với tiến độ thực hiện các dự án và chủ động điều chuyển vốn, tập trung cho các dự án có khả năng giải ngân cao.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Bình Dương xác định tốc độ giải ngân đầu tư công sẽ ảnh hưởng lớn tới đà phục hồi kinh tế. Do đó, các địa phương quyết tâm giải quyết các vướng mắc về thủ tục chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng… để đưa dòng vốn thẩm thấu nhanh chóng vào nền kinh tế.

Chuyên đề