Khảo sát sơ bộ cho thấy có nhiều gói thầu chỉ có 3 nhà thầu nộp HSDT nhưng 2/3 nhà thầu lại nộp HSDT không hợp lệ. Ảnh: Tiên Giang |
Kết quả khảo sát của phóng viên Báo Đấu thầu cho thấy, có nhiều gói thầu chỉ có 3 nhà thầu nộp HSDT nhưng 2/3 nhà thầu lại nộp HSDT không hợp lệ, và nghiễm nhiên nhà thầu còn lại trúng thầu với giá trúng thầu thường rất sát với giá gói thầu. Thực tế này khiến dư luận băn khoăn về nghi vấn cuộc thầu được sắp đặt, các cuộc thầu này không thực sự công khai, công bằng, minh bạch.
Tại Gói thầu số 59 Mua sắm hệ thống kéo tàu vào sàn nâng thuộc Dự án Di chuyển và đầu tư xây dựng Nhà máy Đóng tàu Ba Son mới do Ban Quản lý dự án 9 thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng mời thầu, có 3 nhà thầu nộp HSDT. Trong đó, 2 nhà thầu nộp HSDT không hợp lệ, gồm: Công ty CP Đầu tư công nghệ và Công ty TNHH MTV Vật tư kỹ thuật công nghiệp quốc phòng. Công ty CP Máy M.D trúng thầu với giá 24,9 tỷ đồng (giảm 48 triệu đồng so với giá gói thầu, đạt tỷ lệ tiết kiệm gần 0,2%).
Tại Gói thầu số 2 Xây lắp công trình thuộc Dự án Nhà văn hóa trung tâm, thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương. Gói thầu này được đấu thầu rộng rãi với 3 nhà thầu nộp HSDT. Tuy nhiên, 2 nhà thầu là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Trường Thanh và Công ty TNHH Lĩnh Oanh đều không nộp bảo đảm dự thầu nên HSDT không hợp lệ. Kết quả là Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Thanh Nê - Công ty TNHH Thuận Duy đã trúng thầu với giá 11,525 tỷ đồng (chỉ giảm 0,4 triệu đồng so với giá gói thầu).
“Kịch bản” 2/3 nhà thầu nộp HSDT không hợp lệ cũng xảy ra tại Gói thầu Thuê nổ mìn khu vực Nam Tràng Bạch năm 2019 thuộc Dự án Khai thác lộ thiên kết hợp cải tạo các hồ mỏ Nam Tràng Bạch do Công ty CP 397 mời thầu. Theo đó, có 3 nhà thầu nộp HSDT. Trong đó, Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Thịnh Hưng và Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ và Xây dựng Hải Yến đều không nộp bảo đảm dự thầu, dẫn đến HSDT của 2 nhà thầu này không hợp lệ. Kết quả là Tổng công ty Kinh tế kỹ thuật công nghiệp quốc phòng đã trúng thầu, với giá 48,815 tỷ đồng (giá gói thầu là 48,907 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm gần 0,2%).
Câu chuyện nhà thầu nộp HSDT không hợp lệ cũng diễn ra tại Gói thầu Thi công xây lắp gia cố mặt đê K198+000- K198+962, đê Hồng Hà 2, huyện Kiến Xương thuộc Kế hoạch Duy tu bảo dưỡng đê điều năm 2018 tỉnh Thái Bình do Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình) mời thầu. Tại gói thầu này, Công ty CP Đức Tuấn đã không nộp bảo đảm dự thầu (Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Đại Phát là nhà thầu trúng thầu).
Tại Gói thầu Xây lắp công trình thuộc Dự án Xử lý khẩn cấp nạo vét sông Ngũ Thôn, huyện Kiến Xương do UBND huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình làm chủ đầu tư, Công ty CP Tư vấn xây dựng Tiền Hải đã nộp HSDT không hợp lệ.
Tại Gói thầu số 02 Thi công xây lắp công trình xử lý cấp bách kè Tân Thành II đoạn từ Km15+305 đến Km15+600 đê hữu Trà Lý, huyện Vũ Thư do UBND huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình làm chủ đầu tư, Công ty CP Thương mại và Xây dựng Minh Tâm cũng bị loại vì HSDT không hợp lệ.
Theo ý kiến của một số chuyên gia về đấu thầu, chẳng có nhà thầu nào “đi thi lại tự làm cho mình trượt” mà không kèm theo một động cơ hay lợi ích kinh tế nào đó. Điều này đang phản ánh một tình trạng đáng lo ngại là nhà thầu tham dự thầu và trượt thầu là có chủ đích, những nhà thầu này chỉ là “quân xanh”, “chân gỗ” cho những nhà thầu “quân đỏ”, “nhà thầu ruột” trong sân chơi đấu thầu?!
Chuyên gia đấu thầu Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc nhà thầu trượt thầu có chủ đích đang đặt ra nhiều câu hỏi về động cơ tham gia đấu thầu của nhà thầu. Nhà thầu đang “bán rẻ hình ảnh” và uy tín của mình vì những lợi ích kinh tế? Và động cơ không lành mạnh này của nhà thầu đáng bị lên án, vì đây là những nhà thầu “tiếp tay” cho tình trạng đấu thầu thiếu cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả.