Công ty CP Cầu 12 là một trong 10 doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội nhiều nhất với số tiền lên tới gần 20 tỷ đồng. Ảnh: Bùi Hạnh |
Áp lực nợ gia tăng
Theo báo cáo tài chính năm 2018, doanh thu của Cầu 12 chỉ đạt 301 tỷ đồng, bằng 1/3 so với con số 1.033 tỷ đồng đạt được trong năm 2017. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Cầu 12 âm gần 3 tỷ đồng.
Tuy vậy, nhờ doanh thu từ hoạt động thanh lý, nhượng bán phế liệu và cho thuê, Cầu 12 đã kịp ghi nhận 8 tỷ đồng lợi nhuận khác. Qua đó giúp Công ty thoát lỗ và báo lãi trước thuế cả năm 2018 đạt 5 tỷ đồng.
Quay trở lại việc lựa chọn nhà thầu xây lắp, một tiêu chuẩn thường được đưa ra là nhà thầu phải đảm bảo có lãi, hoặc không lỗ, thường là 3 năm liên tiếp.
Việc hoạt động xây lắp của Cầu 12 không tạo ra lợi nhuận và phải trông cậy vào hoạt động thanh lý tài sản là một trong những dấu hiệu để đặt ra dấu hỏi về chất lượng, cũng như tiến độ thi công của Cầu 12 tại các gói thầu.
Ở một diễn biến khác, theo số liệu cập nhật của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến hết tháng 3/2019, Cầu 12 là một trong 10 doanh nghiệp nợ đóng BHXH nhiều nhất với số tiền lên tới gần 20 tỷ đồng. Về nộp thuế, từ đầu năm tới nay, Công ty cũng có tới 3 lần bị cơ quan thuế ra quyết định cưỡng chế thi hành bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản.
Lý giải tình trạng nợ đọng này, ông Hưởng - Trưởng phòng Kế hoạch tài chính thuộc Công ty CP Cầu 12 chia sẻ, đây là khoản nợ đã tồn đọng nhiều năm, bao gồm cả tiền lãi và tiền phạt chậm nộp, đang được Công ty khắc phục dần. Mặc dù vậy, sản lượng của Công ty vẫn tăng trưởng.
Theo một chuyên gia tài chính, việc doanh nghiệp nợ thuế, BHXH có thể xuất phát từ việc hoạt động kinh doanh (HĐKD) không tạo ra tiền “tươi” mặc dù có lãi. Nếu dòng tiền từ HĐKD nhiều năm liên tục âm sẽ cho thấy rủi ro lớn về khả năng thanh toán lãi vay, các khoản nợ đến hạn trong kỳ.
Thực tế, giai đoạn từ 2015 - 2017, dù ghi nhận lợi nhuận hàng năm đều đặn trên 12 tỷ đồng, nhưng dòng tiền thuần từ HĐKD của Cầu 12 năm 2015, 2016 và 2017 âm lần lượt 114 tỷ đồng, 42 tỷ đồng và 108 tỷ đồng.
Đến năm 2018, dòng tiền từ HĐKD của Cầu 12 bất ngờ dương 97 tỷ đồng. Tuy vậy, tại thời điểm 31/12/2018, khoản mục tiền và các khoản tương đương với tiền cũng chỉ ghi nhận vỏn vẹn 8,7 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ phải trả là 816 tỷ đồng, gấp 10 lần vốn chủ sở hữu.
2 năm vắng bóng tại các gói thầu sử dụng vốn nhà nước
Thống kê trong 3 năm qua cho thấy, Cầu 12 chỉ được công bố trúng 2 gói thầu sử dụng vốn nhà nước với tư cách thành viên liên danh trong năm 2016, còn “vắng bóng” trong các năm 2017, 2018. Vào tháng 3/2016, Cầu 12 trúng Gói thầu Xây lắp cầu Mỏ Nhát tại Bà Rịa - Vũng Tàu, tiếp đó, tháng 5/2016, trúng Gói thầu Thi công xây dựng cầu Cẩm Hải tại Quảng Ninh.
Ông Hưởng cho biết, Cầu 12 “vắng bóng” tại các dự án/gói thầu sử dụng vốn nhà nước trong 2 năm (2017 - 2018) là do tập trung thực hiện các gói đã trúng thầu ở các chủ đầu tư tư nhân. Để tham dự Gói thầu số 18, Cầu 12 đã cung cấp 2 hợp đồng tương tự là công trình cầu dây văng Nhật Lệ với giá trị hợp đồng 300 tỷ đồng và công trình cầu dây văng Cao Lãnh với giá trị hợp đồng 600 tỷ đồng. Trong số các gói thầu đã trúng trong 3 năm qua, hiện còn Gói thầu Xây lắp cầu Mỏ Nhát dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.
Theo tìm hiểu, tại công trình cầu Cao Lãnh (Đồng Tháp), Cầu 12 là nhà thầu phụ, thực hiện 50% khối lượng xây lắp phần cầu.
Về phía Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh An Giang (Bên mời thầu), ông Nguyễn Văn Du - Giám đốc Ban cho biết, việc đánh giá năng lực, kinh nghiệm của Nhà thầu liên danh trúng thầu, Bên mời thầu chủ yếu dựa vào hồ sơ dự thầu. Theo đó, Cầu 12 đã đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu nên được lựa chọn trúng thầu.
“Là người chịu trách nhiệm chính đối với chất lượng, tiến độ của Gói thầu số 18, chúng tôi phải nắm Nhà thầu bằng “cán”. Nếu Gói thầu xảy ra rủi ro do Nhà thầu không đủ năng lực, hoặc không thực hiện được hợp đồng, thì Bên mời thầu sẽ thu hồi bảo lãnh dự thầu theo quy định”, ông Du nhấn mạnh.