Việc đánh thuế nhà thứ hai có thể khiến thị trường bất động sản vừa khởi sắc trở nên trầm lắng. Ảnh: Lê Tiên |
Nhiều vướng mắc
Trao đổi với Báo Đấu thầu, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Việt Nam sẽ cần khoảng thời gian từ 1 - 3 năm để hoàn thiện tất cả các vấn đề như quy định về quản lý đất đai, nhà ở trước khi tính tới vấn đề đánh thuế sở hữu căn nhà thứ hai trở đi.
Lý giải rõ hơn về điều này, ông Hiếu thông tin, việc sở hữu đất đai tại Việt Nam rất phức tạp, trải qua rất nhiều thời kỳ. Trong khi đó, thị trường bất động sản cũng chưa vận hành theo đúng quy luật thị trường nên nó cần có sự cải tổ thì việc đánh thuế mới được thực hiện công bằng.
“Chẳng hạn như người ta có thể sử dụng tên các thành viên trong gia đình hay người khác để sở hữu bất động sản nhằm tránh thuế. Nếu đánh thuế giá trị căn nhà thì cơ sở nào để có thể đánh thuế? Ai là người thẩm định, hay dựa trên căn cứ thẩm định nào?”, ông Hiếu bày tỏ băn khoăn.
Ngoài ra, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng bày tỏ lo ngại nếu quy định không chặt chẽ việc áp thuế nhà thứ 2 trở lên sẽ gây ra những bất công giữa người sở hữu ít nhà nhưng có diện tích lớn với người có nhiều nhà nhưng có diện tích nhỏ hẹp.
“Nếu tài sản trên đất được sử dụng để kinh doanh và tạo ra thu nhập thì việc đánh thuế tài sản đó là hợp lý. Nhưng nếu tài sản đó chỉ nằm im, không được sử dụng kinh doanh, không có thu nhập thì chúng chỉ nên đánh thuế đất thôi, không nên đánh thuế tài sản. Thuế đất đai thì quốc gia nào cũng áp dụng việc đóng thuế cả. Còn tài sản trên đất đai như nhà thì không phải nước nào cũng áp dụng”, ông Hiếu phân tích thêm.
Cần được nghiên cứu kỹ
Năm ngoái, đại diện Bộ Tài chính cũng đã từng hé lộ đề xuất đánh thuế tài sản mang tính trực thu, đánh vào những người có tài sản lớn, sở hữu nhiều. Sau khi thông tin này xuất hiện, hầu hết giới chuyên gia đều cho rằng, đề xuất này cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng và thận trọng.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia nước ngoài, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam cho rằng, việc đánh thuế lên ngôi nhà thứ hai trở đi khá phổ biến ở các nước trên thế giới. Tuy nhiên, việc áp dụng luật này tại Việt Nam sẽ khá phức tạp và cần phải xem xét nhiều khía cạnh. “Hiện tại, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam khi áp dụng quy định này là cần xây dựng một hệ thống để nhận biết và quản lý người mua bất động sản. Ở các nước khác, điều luật này đã góp phần đáng kể vào nguồn thu ngân sách của chính phủ, nhưng cũng sẽ tác động đến số lượng giao dịch bất động sản trên thị trường”, ông Stephen Wyatt nói.
Còn theo ông Nguyễn Trí Hiếu, việc đánh thuế nhà thứ hai sẽ có tác động lớn đối với thị trường bất động sản. Thậm chí, việc áp dụng sắc thuế này có thể sẽ khiến thị trường bất động sản vừa khởi sắc sẽ trở nên trầm lắng. Thậm chí, theo ông Hiếu, số ngoại tệ người Việt bỏ ra mua bất động sản ở Mỹ và một số nước khác có thể sẽ tăng lên đáng kể nếu chúng ta tiến hành đánh thuế cho những căn nhà thứ hai. “Lo ngại này là có cơ sở và nên được xem xét kỹ lưỡng”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc lo ngại việc đánh thuế căn nhà thứ hai có thể ảnh hưởng lớn đến lượng giao dịch trên thị trường. Theo vị này, sự suy giảm của bất động sản sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy sụt giảm khác như thị trường xây dựng, sản xuất nguyên vật liệu xây dựng, dịch vụ… Trong khi đó, tiền không đưa vào nền kinh tế mà chuyển sang tích trữ dưới dạng ngoại tệ hay vàng là những tài sản “chết”, không quay vòng sinh lợi.
Do vậy ông Quyết cho rằng, cần phải tiến hành việc nghiên cứu thị trường thật kỹ để có các đánh giá mức độ ảnh hưởng của thuế căn nhà thứ hai đến thị trường bất động sản, nhất là đặt trong bối cảnh nền kinh tế nước ta hiện nay.
Mới đây, Thủ tướng cũng đã yêu cầu Bộ Tài chính cần nghiên cứu kỹ việc này.