Việc Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 6/2018 bay tới Singapore bằng máy bay của hãng hàng không Trung Quốc Air China thay vì chuyên cơ nội địa khiến dư luận quốc tế đặt ra nhiều đồn đoán về phương tiện ông sẽ sử dụng để đến Việt Nam họp thượng đỉnh lần hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào cuối tháng 2, theo Yonhap.
Một số người cho rằng Kim Jong-un có thể bay bằng chuyên cơ Chammae-1 (trong ảnh) bởi khoảng cách từ Bình Nhưỡng đến Hà Nội chỉ khoảng 2.700 km, hoàn toàn trong tầm bay của phi cơ này.
Chammae-1 (Chim ưng-1) là phiên bản hoán cải từ máy bay chở khách Ilyushin Il-62M do Liên Xô chế tạo, có thể bay 10.000 km mà không cần tiếp nhiên liệu.
Máy bay có chiều dài 53 m, sải cánh 43 m, cao 12 m và khối lượng cất cánh tối đa 165 tấn. 4 động cơ phản lực Soloviev D-30KU giúp Il-62M đạt tốc độ tối đa khoảng 900 km/h và trần bay 12 km.
Máy bay từng được lãnh đạo Triều Tiên sử dụng để bay tới thành phố Đại Liên của Trung Quốc hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 5/2018. Chammae-1 có mã hiệu nhận dạng PRK-615, dường như để kỷ niệm Tuyên bố chung Triều Tiên - Hàn Quốc được hai nước ký ngày 15/6/2000.
Phiên bản Il-62M có khả năng chuyên chở 174 hành khách và 5 thành viên tổ lái. Tuy nhiên, nội thất chiếc Chammae-1 đã được thay đổi hoàn toàn, mang lại tiện nghi cho Chủ tịch Kim Jong-un trong các chuyến bay kéo dài.
Máy bay cũng được trang bị nhiều hệ thống thông tin liên lạc, giúp duy trì khả năng điều hành đất nước và quân đội từ xa cho Kim Jong-un.
Khoang máy bay đủ rộng rãi để lắp đạt nhiều đồ dùng nội thất hiện đại, gồm bàn họp, ghế đệm và bàn làm việc riêng cho Chủ tịch Triều Tiên.
Một chiếc Il-62M khác mang biệt danh "Chammae-2" đã đưa Kim Yo-jong, em gái Kim Jong-un, cùng phái đoàn Triều Tiên tới dự Olympic Mùa đông Pyeongchang tại Hàn Quốc hồi tháng 2/2018.
Một vận tải cơ Il-76MD của hãng hàng không Triều Tiên Air Koryo (ảnh) luôn tháp tùng Kim Jong-un trong các chuyến công du. Nó có nhiệm vụ vận chuyển các trang thiết bị phục vụ lãnh đạo Triều Tiên, bao gồm cả chuyên xa bọc thép của ông.
Ilyushin Il-76 là máy bay vận tải chiến lược sử dụng 4 động cơ phản lực đầu tiên của Liên Xô, đi vào biên chế từ năm 1974 với tổng số 960 chiếc được chế tạo. Phiên bản Il-76MD được nâng cấp sâu, tối ưu cho nhiệm vụ chở hàng và có tầm bay xa hơn.
Mỗi vận tải cơ Il-76MD dài 46,6 m, sải cánh rộng 50,5 m, cao 14,7 m, khối lượng rỗng 92,5 tấn và chở được 48 tấn hàng hóa. Máy bay đạt tốc độ tối đa 900 km/h, tầm bay 4.400 km với khối lượng hàng hóa lớn nhất.
Il-76 có khả năng cất hạ cánh trên nhiều loại đường băng khác nhau, kể cả nền đất nện và sông băng tại địa cực. Hệ thống đảo chiều lực đẩy động cơ cho phép Il-76MD hạ cánh và dừng trên quãng đường chỉ dài 450 m.
Triều Tiên đã thuê máy bay chở khách Boeing 747-4J6 mang mã hiệu B-2447 (ảnh) của Air China để phục vụ Chủ tịch Kim Jong-un trong chuyến thăm Singapore và họp thượng đỉnh với Tổng thống Trump. Đây cũng là phi cơ thường xuyên thực hiện đường bay giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.
Chiếc B-2447 xuất phát từ Triều Tiên sáng 10/6/2018 với mã hiệu CCA122, vốn dùng cho tuyến bay từ Bình Nhưỡng tới Bắc Kinh. Tuy nhiên, nó không hạ cánh xuống thủ đô Trung Quốc theo lịch trình mà đổi sang mã hiệu CCA061 khi ở trên bầu trời Bắc Kinh, sau đó bay thẳng tới Singapore.
Trong ảnh, Chủ tịch Kim Jong-un bước xuống máy bay tại sân bay quốc tế Changi ở Singapore.
Ngoài các máy bay tầm xa, Kim Jong-un cũng sử dụng một máy bay chở khách tầm ngắn Antonov An-148 do Ukraine chế tạo. Phi cơ có tầm bay tối đa 4.400 km, giúp lãnh đạo Triều Tiên di chuyển các chặn ngắn trong nước hoặc tới Trung Quốc.
Hình ảnh do truyền thông Triều Tiên công bố cho thấy Kim Jong-un từng trực tiếp điều khiển chiếc An-148 hồi năm 2014.