Dự án New Pearl đình đám một thời của Phương Trang được chuyển nhượng lại cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vào năm 2013 khi mới xây đến tầng thứ 2. |
Giữa năm 2016, Ngân hàng Xây dựng thông báo khởi kiện Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang về khoản nợ xấu 3.000 tỷ đồng và “giam lỏng” nhiều tài sản thế chấp từng được định giá khoảng 14.000 tỷ đồng, trong đó bất động sản chiếm 98% giá trị. Đây được xem là hệ quả của việc doanh nghiệp vận tải lớn nhất phía Nam sa lầy vào bất động sản trong giai đoạn thị trường này vẫn đang bị ảnh hưởng bởi dư âm của khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Lãnh đạo công ty từng tự tin cho biết, chiến lược đầu tư của Công ty Bất động sản Phương Trang là nhắm đến phân khúc căn hộ trung và cao cấp, biệt thự, đất nền và trung tâm thương mại phức hợp. Sau khi kết hợp cùng nhiều công ty địa ốc thành lập sàn giao dịch bất động sản, Phương Trang tiếp tục mạnh tay đổ vốn vào những dự án có tổng mức đầu tư xấp xỉ hàng chục nghìn tỷ, như khu căn hộ Đà Nẵng Plaza, khu đô thị sinh thái biển Phương Trang - Vịnh Đà Nẵng… nhưng hầu hết đều không thành công. Đáng chú ý nhất trong số này là dự án căn hộ cao cấp New Pearl trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3) từng có giá chào bán hơn 90 triệu đồng một m2. Đây được đánh giá là mũi nhọn trong kế hoạch phát triển mảng bất động sản, tuy nhiên dự tính này sớm đổ vỡ khi công ty phải chuyển nhượng lại cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với giá trị khoảng 20 triệu USD.
Kết quả kinh doanh không như mong đợi của mảng bất động sản là nguyên nhân chính làm vị thế dẫn đầu ngành vận tải của Phương Trang lung lay suốt thời gian dài. Số liệu thống kê cho thấy, chỉ trong vài năm từ 2011 đến 2014, tổng tài sản công ty liên tiếp sụt giảm trong khi nợ vay không ngừng tăng nhanh.
Một trường hợp khác chịu số phận tương tự Phương Trang khi bỏ ngỏ ngành nghề thế mạnh để nhảy vào đầu tư bất động sản là đại gia taxi – Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh.
Kỳ vọng sẽ gom lợi nhuận lớn từ mua đi bán lại bất động sản giá rẻ, Mai Linh rót khoảng 1.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng văn phòng, nhà xưởng và các trạm dừng chân mà gần như lơ là phát triển đội ngũ vận tải. Nhưng thực tế khoảng năm 2011, thị trường bất động sản đóng băng nên công ty chỉ ghi nhận doanh thu vài dự án nhỏ, cộng thêm việc dùng vốn vay ngắn hạn đầu tư dài hạn khiến nợ nần chồng chất, mất thanh khoản.
Từ đại gia thống trị thị trường taxi cả nước, số tiền nợ phải trả của Mai Linh vượt mức 4.700 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn xấp xỉ 2.200 tỷ. Thời điểm đó, công ty chật vật tìm cách tồn tại giữa vòng xoáy nợ vay và phương án được tính đến đầu tiên là thanh lý hàng loạt tài sản như xe cũ, trạm dừng chân và cả những dự án bất động sản “con cưng”.
Ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc công ty từng tuyên bố, nếu có nhà đầu tư đồng ý mua bất động sản thì dù lỗ 20% giá trị Mai Linh vẫn bán để thu xếp tài chính trả nợ cho ngân hàng và trang trải hoạt động kinh doanh giữa cơn bĩ cực.
Gần đây nhất, thêm một doanh nghiệp vận tải nổi tiếng khu vực miền Trung là Công ty cổ phần Thuận Thảo cũng tuyên bố sẽ tìm nhà đầu tư để chuyển nhượng, thanh lý tài sản thế chấp tại ngân hàng nhằm trả nợ vay và thuê tài chính quá hạn. Phần lớn tài sản thế chấp của Thuận Thảo là những công trình bất động sản đắt giá như khách sạn 5 sao CenDenluxe, khu du lịch Thuận Thảo Land, nhà hát Sao Mai, bến xe chất lượng cao…
Giải trình về nguyên nhân dẫn đến “bước đường cùng”, ban lãnh đạo công ty cho biết, đây là hành động bắt buộc do tình trạng tồn đọng nợ đã diễn ra liên tiếp trong nhiều quý. Nguồn vốn cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì không thu hồi được nợ từ đối tác liên quan ở những năm trước. Hiện công ty không còn vốn lưu động để sản xuất khiến tình hình tài chính mất cân đối, chi phí phạt chậm nộp thuế và lãi vay phát sinh không ngừng.
Trước đó, nhờ lợi thế sở hữu quỹ đất 337.000 m2 nằm ngay trung tâm thành phố Tuy Hòa, cộng với việc sáp nhập cùng lúc hai công ty hoạt động trong lĩnh vực địa ốc và du lịch nên Thuận Thảo nhanh chóng triển khai hàng loạt dự án hạng sang với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều dự án được dự báo sẽ mang về lợi nhuận khổng lồ khi hoàn thành, có thể san bằng tỷ lệ doanh thu từ hoạt động vận tải.
Tuy nhiên, sau gần 8 năm triển khai, không ít hạng mục trong số này vẫn dang dở do thâm hụt vốn, phần còn lại đưa vào kinh doanh thì kém hiệu quả vì tiêu chuẩn quá tầm so với thị trường địa phương và lượng khách du lịch ngoại tỉnh cũng hạn chế.