Hứa Thị Phấn lại xin giảm nhẹ hình phạt. |
Bị cáo Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Đại Tín) cũng xin xem xét cho công ty TNHH đầu tư địa ốc Phúc Nguyễn được thanh lý hợp đồng căn nhà số 10 Lý Tự Trọng với ngân hàng CB và được bán tài sản này để khắc phục hậu quả vụ án.
Ngoài ra, bị cáo Phấn đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm buộc bị án Phạm Công Danh phải hoàn trả số tiền được coi là vật chứng vụ án đã được tuyên thu hồi trong các vụ án trước để khắc phục hậu quả.
Được xét hỏi đầu tiên, Bùi Thị Kim Loan (nguyên kế toán Công ty Phú Mỹ, thư ký của bà Hứa Thị Phấn) cho rằng, bản thân mình chỉ là người làm công ăn lương, chỉ đưa các chứng từ cho các bị cáo khác ký theo chỉ đạo của bà Phấn. Bị cáo không biết và không được hưởng lợi gì từ hành vi này.
Cáo trạng xác định trong vụ án này, bị cáo Bùi Thị Kim Loan đã có hành vi giúp sức cho bà Hứa Thị Phấn chiếm đoạt 60 tỷ đồng, thông qua việc thực hiện chỉ đạo của Hứa Thị Phấn làm các thủ tục để Phạm Hồng Hảo và Lâm Hứa Quỳnh Trinh thực hiện mua căn nhà số 422B Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) và số 409 Sư Vạn Hạnh (quận 10); sau đó làm thủ tục bán 2 căn nhà này cho Ngân hàng Đại Tín.
Trong tất cả giai đoạn của "đại án", bà Phấn bị cáo buộc chiếm đoạt tổng cộng 12.000 tỷ đồng của Trustbank. Cuối tháng 5/2018, xét xử giai đoạn một, bà Phấn bị TAND TPHCM tuyên phạt 20 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; 20 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp với bản án 17 năm tù do TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên trước đó, bà Phấn phải chấp hành 30 năm tù (mức án cao nhất của hình phạt có thời hạn).
Bị cáo Loan đã chỉ đạo việc rút tiền và chuyển tiền chiếm đoạt được cho bà Phấn sử dụng, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín 60 tỷ đồng. Do đó, bị cáo Loan phải chịu trách nhiệm hình sự cùng với bà Phấn số tiền này. Trong giai đoạn 1 của vụ án, bị cáo Loan đã bị xử phạt 28 năm tù. Còn trong vụ án này, bị cáo Loan bị tuyên phạt mức án 7 năm tù, hiện đang được hoãn thi hành án do đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.
Bị cáo Loan cho rằng mức án tuyên phạt bị cáo là quá nặng, hiện nay, gia đình bị cáo đang gặp hoàn cảnh khó khăn, đang nuôi con nhỏ.
Ngoài bị cáo Phấn và Loan, trong vụ án này còn có bị cáo Huỳnh Thị Xuân Dung (nguyên thư ký và cháu của bà Phấn) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin xem xét cho công ty Phúc Nguyễn nhận lại căn nhà số 10 Lý Tự Trọng để bán và khắc phục hậu quả vụ án.
Sau khi xét hỏi các bị cáo xong, HĐXX chuyển sang xét hỏi người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan về yêu cầu kháng cáo. Theo đó, ngân hàng thương mại TNHH một thành viên Xây Dựng Việt Nam (tiền thân là Trustbank) kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Bị án Phan Thành Mai, Phạm Công Danh và tập đoàn Thiên Thanh kháng cáo đề nghị xem xét không buộc bị án Phạm Công Danh và tập đoàn Thiên Thanh liên đới bồi thường số tiền 901 tỷ đồng.
Bị án Phạm Công Danh.
Trong vụ án này, nhóm tài sản trên được xác định là 114 bất động sản. Tuy nhiên, trong đơn kháng cáo của ông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh, tổng số bất động sản liên quan đến gói này là 120. Hiện chỉ xác định 114 bất động sản, còn thiếu 6 bất động sản (đứng tên Lâm Kim Dũng tương đương 20.000m2 đất tại phường An Phú, quận 2).
Theo đơn kháng cáo của ông Danh, 6 bất động sản này nằm trong thỏa thuận mua bán ngân hàng và trách nhiệm dân sự, tài sản của ngân hàng giữa 2 nhóm cổ đông. Việc bản án sơ thẩm không giao lại 6 bất động sản này cho ông và Tập đoàn Thiên Thanh là gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm cổ đông Thiên Thanh và cá nhân ông Phạm Công Danh.