Đà Nẵng tiếp tục đấu thầu chọn nhà đầu tư khu công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với vị trí thuận lợi, giá thuê đất, chi phí giải phóng mặt bằng thấp, với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng hàng đầu là những lợi thế vượt trội của TP. Đà Nẵng khi thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp. Đà Nẵng sẽ tiếp tục đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án khu công nghiệp mới thời gian tới.
Các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp ở Đà Nẵng thu hút được khá nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp ở Đà Nẵng thu hút được khá nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Thông tin tới Báo Đấu thầu, Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, năm 2020, Ban được UBND TP. Đà Nẵng giao làm chủ đầu tư (giai đoạn chuẩn bị đầu tư) để thực hiện tổ chức lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án có sử dụng đất. Theo đó, 3 dự án Khu công nghiệp Hòa Cầm - giai đoạn 2, Khu công nghiệp Hòa Nhơn và Khu công nghiệp Hòa Ninh đã được tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư theo quy trình gồm 2 bước là sơ tuyển và đấu thầu rộng rãi.

Tại bước sơ tuyển, có 7 nhà đầu tư tham dự gồm: 3 nhà đầu tư tham gia sơ tuyển tại Dự án Khu công nghiệp Hòa Cầm - giai đoạn 2; 1 nhà đầu tư dự sơ tuyển tại Dự án Khu công nghiệp Hòa Nhơn và có 3 nhà đầu tư dự sơ tuyển tại Dự án Khu công nghiệp Hòa Ninh. Tuy nhiên, hồ sơ của các nhà đầu tư đều không đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm nên UBND TP. Đà Nẵng đã thống nhất hủy thầu sơ tuyển.

Theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, có 2 nguyên nhân khiến 3 dự án không có nhà đầu tư trúng sơ tuyển là khung tiêu chí đánh giá năng lực, kinh nghiệm được cho là quá cao. Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân chủ quan từ việc nhà đầu tư có năng lực tốt nhưng chuẩn bị hồ sơ tham dự sơ tuyển không tốt nên không đạt yêu cầu.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, một nhà đầu tư cho biết, các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp ở Đà Nẵng thu hút được khá nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước và quốc tế bởi vì Đà Nẵng có vị trí thuận lợi với hệ sinh thái công nghiệp khá đầy đủ. So với các tỉnh, thành phố có điều kiện tương tự thì giá thuê đất, chi phí giải phóng mặt bằng ở Đà Nẵng thường thấp hơn, nhờ đó đã giảm chi phí đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Bên cạnh đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Đà Nẵng luôn nằm trong top đầu, cùng với việc xử lý hồ sơ liên quan đến các thủ tục hành chính cũng khá thông thoáng, thuận tiện và rút ngắn được thời gian cho nhà đầu tư. Đây là những lợi thế đáng kể trong công tác thu hút đầu tư của TP. Đà Nẵng so với các địa phương khác trong cả nước. Hiện nay, tỷ lệ lấp đầy 6 khu công nghiệp hiện trạng của Đà Nẵng đạt hơn 86%, điều này cho thấy niềm tin và tâm lý ổn định của các nhà đầu tư khi đầu tư, kinh doanh ở Đà Nẵng. Định hướng mũi nhọn trong thu hút đầu tư của Đà Nẵng là dịch vụ - thương mại, công nghiệp sạch nên khi đầu tư vào các dự án hạ tầng khu công nghiệp, các nhà đầu tư cũng yên tâm hơn về “đầu ra” về hệ sinh thái công nghiệp.

Ông Sơn cho biết, hiện UBND TP. Đà Nẵng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư với hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 3 dự án nêu trên. Dự kiến, trong tháng 12/2021, Thủ tướng Chính phủ sẽ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với Khu công nghiệp Hòa Cầm - giai đoạn 2 (diện tích 120 ha và tổng mức đầu tư 2.192 tỷ đồng) và Khu công nghiệp Hòa Ninh (diện tích 400 ha và tổng mức đầu tư 6.868 tỷ đồng). Đối với Khu công nghiệp Hòa Nhơn (360 ha), UBND TP. Đà Nẵng đang có chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch để bố trí các doanh nghiệp hiện hữu trước khi trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư.

“Việc đấu thầu các dự án xây dựng khu công nghiệp không phải bắt buộc như các dự án đầu tư sử dụng đất khác, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục con đường này để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện xây dựng các khu công nghiệp. Việc tổ chức đấu thầu rộng rãi sẽ thuận lợi cho TP. Đà Nẵng trong việc lựa chọn nhà đầu tư; tạo ra sự cạnh tranh trong đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, đồng thời tránh được những tranh chấp liên quan đến đầu tư sau này khi có nhiều nhà đầu tư cùng quan tâm đến một dự án”, ông Sơn thông tin thêm.

Chuyên đề