Đà Nẵng kỳ vọng vào “nhân tố mới” - Đô thị sân bay

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đà Nẵng đang đốc thúc tiến độ lập quy hoạch phân khu Đô thị sân bay, đề xuất nâng công suất nhà ga Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng lên 30 triệu lượt hành khách/năm, nhằm tạo "nhân tố mới" đưa Thành phố phát triển hiện đại, bền vững và có điểm nhấn kiến trúc.
Theo đơn vị tư vấn, khu vực quy hoạch phân khu Đô thị sân bay có hơn 50% diện tích nằm trong sân bay, khu quân sự nên việc có công trình giao thông ngầm là cần thiết. Ảnh: Minh Hạnh
Theo đơn vị tư vấn, khu vực quy hoạch phân khu Đô thị sân bay có hơn 50% diện tích nằm trong sân bay, khu quân sự nên việc có công trình giao thông ngầm là cần thiết. Ảnh: Minh Hạnh

Theo Quyết định điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TP. Đà Nẵng được tổ chức thành 12 phân khu, trong đó, phân khu Đô thị sân bay được quy hoạch vùng lõi ngay trung tâm Thành phố. Đến thời điểm hiện tại, theo ông Nguyễn Minh Huy, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Đà Nẵng (đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức lập quy hoạch), Đồ án quy hoạch 1/2.000 khu Đô thị sân bay đã được Tư vấn quy hoạch (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam) hoàn tất lấy ý kiến cộng đồng dân cư.

Theo đồ án quy hoạch, phân khu Đô thị sân bay có tổng diện tích 1.326,7 ha. Trong đó, hơn 450 ha đất dân dụng (đất ở gần 440 ha, đất dịch vụ - công cộng đô thị khoảng 13 ha); đất ngoài dân dụng hơn 860 ha (đất an ninh, quốc phòng hơn 800 ha, đất cơ quan khoảng 3 ha, đất trung tâm y tế 6 ha...). Dân số nằm trong diện tích quy hoạch dự kiến khoảng 100.000 người. Để thực hiện được các hạng mục trong phân khu Đô thị sân bay, cần nguồn vốn đầu tư 8.228 tỷ đồng.

Điểm nhấn quy hoạch lần này là đã cụ thể hoá ý tưởng và chủ trương của TP. Đà Nẵng muốn thu hút đầu tư xây dựng công trình đường hầm xuyên qua sân bay hiện tại. Theo tính toán, tuyến hầm này dài khoảng 3,7 km, trong đó phần hầm khoảng 2,48 km, quy mô 6 làn xe cơ giới kết nối từ phân khu ven sông Hàn và vịnh Đà Nẵng với khu đô thị phía Tây thuộc quận Liên Chiểu và huyện Hoà Vang…

Cùng với quy hoạch phân khu Đô thị sân bay, UBND TP. Đà Nẵng đã có tờ trình gửi Bộ Giao thông vận tải đề nghị thẩm định, phê duyệt Quy hoạch điều chỉnh Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đạt sân bay cấp 4E theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và sân bay quân sự cấp 1. Mục tiêu đến năm 2030, sản lượng vận chuyển qua Cảng đạt 25 triệu lượt hành khách/năm và đạt 30 triệu lượt hành khách/năm đến năm 2050; sản lượng vận chuyển hàng hóa đạt 200.000 tấn/năm. Tổng nhu cầu vốn đầu tư theo Quy hoạch điều chỉnh Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng khoảng 31.000 tỷ đồng.

Theo đơn vị tư vấn, khu vực quy hoạch có hơn 50% diện tích nằm trong sân bay, khu quân sự nên việc có công trình giao thông ngầm là cần thiết. Không những thế, độ sâu không gian ngầm được quy hoạch chia làm 3 lớp: từ 0 - 5 m phục vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngầm như lối vào tầng hầm, hầm đi bộ; sâu 5 - 15 m xây công trình công cộng, bãi đỗ xe đảm bảo chỉ tiêu 4 m2/người; sâu dưới 15 m xây các công trình hạ tầng kỹ thuật. Hệ thống điện cũng nên ưu tiên ngầm hóa.

Cách đây 6 năm, ý tưởng về xây dựng đường hầm qua sân bay đã được UBND TP. Đà Nẵng đặc biệt chú ý. Thời điểm đó, lãnh đạo TP. Đà Nẵng đã giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng và các đơn vị liên quan nghiên cứu các vấn đề về đầu tư xây dựng đường hầm qua khu vực sân bay Đà Nẵng theo hướng Đông - Tây.

Theo ông Nguyễn Minh Huy, điều chỉnh quy hoạch phân khu sân bay không chỉ nhằm khai thác tiềm năng của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng mà còn đảm bảo khớp nối đồng bộ các quy hoạch, dự án, phát triển không gian đô thị hài hòa giữa hiện trạng và khu vực đề xuất xây dựng mới; cân đối lợi ích kinh tế của cộng đồng với các đơn vị, tổ chức có liên quan.

Chuyên gia quy hoạch Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, Đô thị sân bay gắn với đường hầm qua sân bay sẽ giúp Đà Nẵng giảm mật độ dân số ở trung tâm, tăng thời gian sử dụng hạ tầng kỹ thuật ở khu vực này. Đồng thời, nâng tầm Đô thị sân bay thành “nhân tố mới” giúp Đà Nẵng tăng nguồn thu bền vững cho ngân sách từ khai thác quỹ đất cũng như các dịch vụ, tiện ích đi kèm.

Chuyên đề