Cựu tổng thống Hàn Quốc từ chối dự phiên luận tội nhận hối lộ

Viện lý do sức khỏe, bà Park Geun-hye không xuất hiện tại phiên tòa xét xử cáo buộc bà nhận hối lộ.
Cựu tổng thống Park Geun-hye. Ảnh:Reuters.
Cựu tổng thống Park Geun-hye. Ảnh:Reuters.

Lấy lý do lưng bị đau nhức và đầu gối sưng tấy, cựu tổng thống Hàn Quốc từ chối có mặt tại phiên tòa ngày hôm nay để nghe bên công tố trình ra các bằng chứng cáo buộc bà Park nhận hối lộ, Straits Times đưa tin.

Phiên tòa dự kiến bắt đầu vào lúc 10h sáng ngày 27/11 tuy nhiên bà Park đã không xuất hiện, theo tòa án quận Seoul. Phiên tòa sẽ tiếp tục vào ngày mai.

Tiến trình xét xử cựu tổng thống 65 tuổi của Hàn Quốc bị gián đoạn từ giữa tháng 10 sau khi toàn bộ 7 luật sư bào chữa cho bà đồng loạt nộp đơn rút lui để phản đối quyết định của tòa án kéo dài thời gian tạm giam bà Park thêm 6 tháng. Tòa án ký lệnh kéo dài thời gian tạm giam vì lo ngại cựu tổng thống có thể hủy chứng cứ nếu được trả tự do.

Tại phiên xét xử ngày 16/10, bà Park tuyên bố mình vô tội, gọi các cáo buộc chống lại bà là "sự trả thù chính trị trên danh nghĩa pháp quyền" và từ chối xuất hiện tại các phiên xét xử trong tương lai, theo hãng tin Yonhap.

Truyền thông Hàn Quốc cho biết hiện cả 5 công tố viên nhà nước được chỉ định phụ trách hồ sơ của nữ cựu tổng thống đều không thể gặp mặt bà để hai bên trao đổi những vấn đề liên quan. Trước tình hình đó, cơ quan tư pháp nhấn mạnh nếu bà Park tiếp tục tẩy chay các phiên tòa, bà sẽ bị xét xử vắng mặt.

Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc hồi tháng 3 ra phán quyết phế truất bà Park Geun-hye khỏi cương vị tổng thống sau khi bà bị quốc hội luận tội hồi tháng 9 năm ngoái với nhiều tội danh bao gồm nhận hối lộ, biển thủ công quỹ, lạm dụng quyền lực và làm rò rỉ bí mật quốc gia. Quá trình xét xử bà bắt đầu vào tháng 5.

Kết quả một cuộc khảo sát gần đây cho thấy vụ luận tội cựu tổng thống Park Geun-hye là vấn đề thu hút sự quan tâm của công chúng Hàn Quốc nhất trong năm nay, theo sau đó là chiến thắng của ông Moon Jae-in trong cuộc bầu cử tổng thống và xếp thứ ba là vụ thử hạt nhân của Triều Tiên hồi tháng 9.

Chuyên đề