Ngày 15/7, ông Nguyễn Văn Vịnh cùng ông Doãn Văn Hưởng - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cùng tội danh, Cơ quan Cảnh sát điều tra đề nghị truy tố ông Mai Đình Định (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường), Nguyễn Thanh Dương và Lê Ngọc Hưng (đều là cựu Phó Chủ tịch Tỉnh), Phan Văn Cương (Phó Giám đốc Sở Công Thương), Ngô Đức Hoàng (chuyên viên Cục Địa chất Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Ông Nguyễn Văn Vịnh. Ảnh: Báo Lào Cai |
7 người ở Công ty Apatit Việt Nam là Nguyễn Quang Huy, cựu Tổng giám đốc; Phạm Cao Khiêm, cựu Phó Tổng giám đốc; Nguyễn Ngọc Bích, cựu Chủ tịch HĐTV; Lương Văn Na, cựu Phó Tổng giám đốc, thành viên HĐTV; Cao Văn Tham, Phó phòng Kế hoạch thị trường; Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác 3; Nguyễn Văn Chung, Phó phòng An toàn lao động và Môi trường, bị đề nghị tội Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Riêng ông Nguyễn Mạnh Thừa, Giám đốc Công ty Lilama, bị đề nghị 2 tội là Rửa tiền và Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Theo kết luận điều tra, năm 2009, Công ty Lilama được cấp giấy chứng nhận để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khách sạn, nhà hàng tại xã Đồng Tuyển, TP. Lào Cai trên diện tích 3,77 ha. Tuy nhiên, Công ty Lilama dựa vào văn bản không đúng thẩm quyền của UBND tỉnh Lào Cai để tận thu apatit một cách công khai.
Công ty LiLama sau đó ký hợp đồng với Công ty Apatit Việt Nam để bán toàn bộ số quặng khai thác chui, thu lời bất chính. Điều tra xác định, các bị can đã khai thác trái phép hơn 1,5 triệu tấn quặng apatit các loại, giá trị hơn 610 tỷ đồng.
Hành vi của các bị can bị cáo buộc đã làm mất nguồn tài nguyên dự trữ khoáng sản quốc gia. Trong đó, bị can Thừa thu lời bất chính hơn 183 tỷ đồng, Công ty Apatit Việt Nam thu lời bất chính hơn 184 tỷ đồng.
Khi còn là Phó Chủ tịch và Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, ông Vịnh chịu trách nhiệm chính về công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Ông bị cáo buộc biết rõ 3,77 ha thuộc Khai trường 18 đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch quặng apatit, thẩm quyền cấp phép khai thác thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhưng đã ký giấy chứng nhận đầu tư cùng nhiều văn bản và tài liệu khác có liên quan không đúng thẩm quyền, trái quy định.
Ông Doãn Văn Hưởng. Ảnh: Laocaitv |
Từ sai phạm này, Công ty Lilama và Apatit Việt Nam đã khai thác, tiêu thụ trái phép số lượng quặng apatit rất lớn.
Cơ quan điều tra đánh giá, sai phạm của ông Vịnh mang tính hệ thống, chỉ đạo xuyên suốt. Cùng một dự án, ông Vịnh ký giấy chứng nhận đầu tư xây dựng khách sạn, thế nhưng khi biết có trữ lượng quặng lớn lại ký quyết định thu hồi. Ông Vịnh sau đó cấp lại chính diện tích đất đã thu hồi cho Công ty Lilama xây dựng khách sạn và cho tận thu khoáng sản.
Công ty Apatit Việt Nam nhiều lần kiến nghị không cấp diện tích đất 3,77 ha cho Công ty Lilama. Tuy nhiên, khi được cấp dưới trình các văn bản không đúng quy định, ông Vịnh lại không ngăn chặn hay chỉ đạo các đơn vị liên quan có biện pháp bảo vệ tài nguyên.
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, ông Vịnh lợi dụng chức vụ, quyền hạn và vì động cơ vụ lợi để làm trái công vụ, ký các văn bản trái pháp luật. Vào giáp Tết Nguyên đán năm 2015, bị can Thừa mang 5 tỷ đồng đến biếu ông Vịnh để cảm ơn. Số tiền này ông Vịnh đã chi tiêu cá nhân hết nên cơ quan điều tra không thu giữ được. Quá trình điều tra, ông Vịnh đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.
Với cựu Chủ tịch UBND Tỉnh Nguyễn Doãn Hưởng, Cơ quan Cảnh sát điều tra cáo buộc ông Hưởng là người quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, dù biết việc cho phép Công ty Lilama thu gom quặng apatit trong quá trình thực hiện dự án khách sạn, nhà hàng là sai nhưng vẫn ký văn bản đồng ý cho khai thác.