Thị trường liên tục có các phiên giao dịch khớp lệnh tỷ USD. |
Dòng tiền ào ạt vào mua trong bối cảnh VN-Index vượt đỉnh lần nữa. Khối lượng cổ phiếu đổ ra bán cũng khổng lồ đẩy thanh khoản khớp lệnh tính theo giá trị ở 2 sàn lên sát ngưỡng kỷ lục với 23.999 tỷ đồng.
Kỷ lục khớp lệnh của hai sàn là phiên 24.333 tỷ đồng hôm 13/4 vừa qua. Tuần trước thị trường thậm chí còn có 2 phiên khớp vượt 23.000 tỷ đồng nữa. Như vậy chỉ trong 7 phiên vừa qua, giao dịch liên tiếp đạt cỡ tỷ USD.
Phiên giao dịch hôm nay có chất xúc tác quan trọng là VN-Index ngay những phút mở cửa đầu tiên đã vượt đỉnh. Hôm qua tuy chỉ số này đóng cửa cao nhất lịch sử nhưng tính về biên độ thì vẫn chưa qua được đỉnh cao nhất tuần trước. Hôm nay thị trường bùng nổ sớm. Chỉ số vượt hẳn qua ngưỡng cao nhất lịch sử đồng nghĩa với cơ hội đi lên cao hơn. Nhà đầu tư lập tức đổ tiền vào tranh cướp cổ phiếu.
Thị trường tăng đặc biệt mạnh trong khoảng 45 phút cuối phiên sáng và lân sang khoảng 10 phút đầu phiên chiều. VN-Index đạt đỉnh cao nhất 1.286,32 điểm, vượt tham chiếu 2,04%. Kết quả này có được dĩ nhiên phải có thủ lĩnh. Đó là VHM, VCB, VNM, GAS, MSN.
Dĩ nhiên có rất nhiều cổ phiếu lớn khác tăng, nhưng những mã nói trên vốn hóa lớn nhất, tăng khỏe nhất. VHM đạt đỉnh tăng kịch trần; VCB tăng 6,6%; VNM tăng 5,1%; GAS tăng 2,06%, MSN tăng 4,11%. Chỉ số VN30-Index đạt đỉnh tăng tới 1,94%.
Tuy nhiên phiên tăng dữ dội hôm nay cũng kích thích nhà đầu tư chốt lời khủng khiếp. Riêng mức thanh khoản tới gần 24.000 tỷ đồng khớp lệnh và gần 26.200 tỷ đồng cả thỏa thuận cũng thể hiện điều đó. Phải có nhà đầu tư xả hàng rất nhiều mới tạo nên được thanh khoản nhiều như vậy. Mặt khác, áp lực xả cũng khiến rất nhiều cổ phiếu chao đảo, VN-Index đánh võng kinh dị trong buổi chiều.
Sốc nhất là nhịp rơi tới gần 2% ở chỉ số từ 1h10 đến 2h07'. VN-Index từ đỉnh cao 1.286,32 điểm gần như rơi tự do xuống 1.261,28 điểm về sát tham chiếu (còn tăng 0,06%). Thị trường đảo chiều bất ngờ và dữ dội đến mức VN30-Index còn giảm 0,19%. Có tới 21 cổ phiếu trong rổ VN30 bị "đạp" thủng tham chiếu ở nhịp giảm này, chỉ còn 7 mã xanh. Giảm nhiều nhất (so với tham chiếu) là CTG (-2,35%), MSN (-2,8%), NVL (-2,66%), SSI (-2,56%), STB (-2,6%), HPG (-3,11%)...
Dĩ nhiên lực cầu bắt đáy xuất hiện sau đó đã kiềm chế được đà rơi. Thị trường hồi lại từ sau 2h10 nhưng cũng không lấy lại được sức mạnh như cũ. Rất nhiều cổ phiếu đã không gượng dậy được sau cú đạp bất thần đầu phiên chiều. Độ rộng sàn HSX thể hiện rõ điều này, khi kết thúc phiên số mã giảm vẫn nhiều gấp 1,7 lần số tăng. Rổ Vn30 cũng chỉ có 14 mã tăng/15 mã giảm.
VN-Index kết thúc phiên cũng chỉ còn tăng nhẹ 0,61% so với tham chiếu, VN30-Index còn tăng 0,49%. Nhóm Midcap đã phải chấp nhận giảm 0,78%, Smallcap giảm 0,57%.
Với độ rộng quá yếu, thị trường rơi vào trạng thái "xanh vỏ", nhờ VCB vẫn tăng 4,57%, kéo chỉ số 4,5 điểm; VHM tăng 3,92%, kéo chỉ số gần 4 điểm; VNM tăng 3,33% kéo chỉ số gần 2 điểm. Ở phía ngược lại, GVR giảm 3,08% khiến chỉ số mất gần 1 điểm; VIC giảm 0,63% làm mất 0,8 điểm. Có thể thấy phía tăng vẫn mạnh hơn về vốn hóa, dù số lượng thì không bằng.
Số ít các cổ phiếu trụ vẫn mạnh đã không giúp các cổ phiếu còn lại tốt hơn được. Sàn HSX hôm nay vẫn chứng kiến 140 cổ phiếu sụt giảm trên 1% về cuối ngày. Trong khi đó chỉ có khoảng 70 mã là tăng được hơn 1%. Phần lớn các mã tăng là nhóm đầu cơ được kéo ngược dòng: ROS, AMD, TNI, HAX, QBS kịch trần với khối lượng giao dịch hàng triệu tới chục triệu cổ.
Hiện tượng xả hàng ở đỉnh giá cao hôm nay đẩy nhiều cổ phiếu lùi giá khá sâu, về sổ sách là khiến nhà đầu tư đua giá chịu thiệt. Do biên độ dao động lớn cuối phiên sáng đầu phiên chiều nên rất nhiều mã sụt giảm trong phiên khá lớn như CTG đóng cửa giảm 2,67% so với đỉnh; VHM giảm 2,86%; MSN giảm 5,38%; SSI giảm 4,1%; VRE giảm 4,15%; FPT giảm 2,35%; HPG giảm 2,39%...
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay cũng vẫn xả khá nhiều, nhưng so với tổng thanh khoản thì vẫn chưa thấm tháp gì. HSX bị bán ròng khoảng 553 tỷ đồng với VHM (-340,4 tỷ đồng ròng), VNM (-129 tỷ), CTG (-117,7 tỷ), HPG (-103,2 tỷ), KDH (-60,5 tỷ). Riêng nhóm VN30 bị bán ròng khoảng 521,6 tỷ đồng. Vẫn có VCB, VIC, NVL, HDB, STB được mua khá tốt.