Cuộc khủng hoảng Evergrande có thể loang ra toàn cầu như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
Cuộc khủng hoảng thanh khoản tại tập đoàn địa ốc Trung Quốc Evergrande đã khiến thị trường tài chính toàn cầu rung chuyển. Các chiến lược ra cho rằng vụ này thậm chí có thể ảnh hưởng đến triển vọng của nền kinh tế toàn cầu....
Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Evergrande, ông Hui Ka Yan.
Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Evergrande, ông Hui Ka Yan.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng kỳ vọng vấn đề sẽ được kiểm soát bởi bàn tay của Chính phủ Trung Quốc trước khi dẫn đến những rạn nứt trong hệ thống ngân hàng của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Bởi vậy, khả năng khủng hoảng Evergrande dẫn tới một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là thấp.

BAO GIỜ TRUNG QUỐC SẼ CỨU EVERGRANDE?

Theo hãng tin CNBC, câu hỏi quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư vào lúc này là như thế nào và khi nào các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ ra tay giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande, liệu họ có tiến hành tái cơ cấu Evergrande như thị trường kỳ vọng?

Mối lo lớn nhất của thị trường là Bắc Kinh có thể để mặc cho Evergrande sụp đổ - một sự kiện sẽ dẫn tới thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư cổ phiếu và trái phiếu do công ty này phát hành. Một “bài kiểm tra” lớn sẽ đến vào ngày thứ Năm tuần này, khi Evergrande đến hạn thanh toán một lô trái phiếu phát hành ở thị trường nước ngoài. Tuần trước, công ty tuyên bố đang đối mặt với những khó khăn tài chính chưa từng có tiền lệ và không ngại cảnh vào về khả năng vỡ nợ.

“Mọi người đều kỳ vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ có một dạng giải pháp nào đó, xét tới việc Evergrande là một công ty có tầm quan trọng mang tính hệ thống”, Giám đốc đầu tư Jimmy Chang của Rockerfeller Global Family Office nhận định với CNBC. “Công ty này có lượng nghĩa vụ nợ 300 tỷ USD. Tôi nghĩ, rốt cục sẽ có một hoặc vài doanh nghiệp quốc doanh giàu có tiếp quản Evergrande”.

Giới chuyên gia không cho rằng Evergrande có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo như vụ đổ vỡ ngân hàng đầu tư Lehman Brothers hồi năm 2008, nhưng có thể dẫn tới nhiều biến động trên thị trường.

“Cái khó nằm ở chỗ không thể đoán trước được ý định của Trung Quốc… Nhưng tôi có cảm giác là Chính phủ Trung Quốc sẽ hành động, họ sẽ làm cho mọi thứ trở nên ổn định”, Giám đốc đầu tư trái phiếu toàn cầu Rick Rieder của BlackRock nhận định.

Ông Rieder cho rằng trong thời gian tới, các nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn với các công ty bất động sản và các công ty đa lĩnh vực của Trung Quốc. Ngoài ra, nền kinh tế của Trung Quốc đang giảm tốc của Trung Quốc có thể giảm tốc sâu hơn do ảnh hưởng từ Evergrande, từ đó kéo các nền kinh tế khác giảm tốc theo.

Theo ông Chang, Chính phủ Trung Quốc cần hành động gấp bởi tình hình ở Evergrande đã bắt đầu ảnh hưởng tới tâm lý trên thị trường, sau một thời gian thị trường toàn cầu không mấy để ý đến vấn đề này. “Bất động sản là một lĩnh vực rất quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc và an ninh tài chính của nhiều gia đình Trung Quốc… Nếu không được kiểm soát, khủng hoảng thanh khoản ở Evergrande có thể dẫn tới một sự kiện ‘thiên nga đen’”, ông Chang nói.

Vị Giám đốc đầu tư nói thêm rằng nền kinh tế Trung Quốc lớn đến nỗi có thể ảnh hưởng đến toàn bộ thế giới. “Nếu Trung Quốc xảy ra vấn đề kinh tế nghiêm trọng vì Evergrande, phần còn lại của thế giới sẽ chịu tác động theo”.

KHỦNG HOẢNG EVERGRANDE CÓ THỂ GÂY GIẢM TỐC KINH TẾ TOÀN CẦU

Chuyên gia kinh tế trưởng về châu Á của Capital Economics, ông Mark Williams, tin rằng Chính phủ Trung Quốc cuối cùng sẽ hành động để đảm bảo rằng ít nhất hệ thống tài chính của nước này không bị cuốn vào khủng hoảng vì Evergrande. “Các nhà hoạch định chính sách sẽ để cho các công ty bất động sản vật lộn một thời gian rồi mới ra tay để đảm bảo giữ vững hệ thống ngân hàng”, ông Williams phát biểu.

Ông Jim Chanos, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập của Kynikos Associates, nhận định đây là một thời khắc quan trọng đối với Chính phủ Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh gần đây liên tục siết chặt kiểm soát đối với các công ty Internet, giáo dục, trò chơi, và một số lĩnh vực khác. Ông cho rằng cách Chính phủ Trung Quốc phản ứng với vụ Evergrande sẽ nói lên nhiều điều.

“Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi trong cách mà Chính phủ Trung Quốc đối xử với doanh nghiệp… Liệu họ có tiến hành một cuộc giải cứu mà ai cũng tin là sẽ có? Và nếu có thì những ai sẽ được cứu?” ông Chanos nói với CNBC. “Liệu các nhà đầu tư phương Tây nắm trái phiếu Evergrande có được cứu không, hay chỉ khách hàng mua căn hộ chưa hoàn thiện của Evergrande? Các ngân hàng có bị ảnh hưởng không?”

Ông Chanos nhấn mạnh rằng từ 2011 đến nay, Trung Quốc đã có 4 đợt kiểm soát đầu cơ trên thị trường bất động sản. “Mỗi lần, nền kinh tế đều sụt tốc mạnh và nhà chức trách nới kiểm soát, sau đó lại thắt chặt”, ông nói.

Theo ông Chanos, thị trường bất động sản nhà ở tương đương khoảng 20% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc, trong khi hoạt động bất động sản nói chung tương đương khoảng 30% GDP. Tuy nhiên, nhà bán khống cổ phiếu Trung Quốc này không cho rằng khủng hoảng Evergrande có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống trên thị trường tài chính phương Tây.

Theo ông Williams, hiện có khoảng 1,4 triệu khách hàng mua căn hộ chưa hoàn thiện của Evergrande, đã nộp tiền đặt cọc và đang chờ giao nhà. “Tôi không biết là công ty có thể xây nốt những căn hộ đó hay không, nhưng có vẻ là không”, ông nói.

Nguy hiểm nằm ở chỗ nếu rắc rối cũng xảy đến ở các công ty bất động sản khác, giá nhà sẽ lao dốc và thị trường địa ốc Trung Quốc sẽ chao đảo. Người tiêu dùng giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc, nên khi thị trường này tụt dốc, tiêu dùng sẽ bị suy giảm theo. Ảnh hưởng sẽ lan ra các thị trường khu vực và toàn cầu thông qua sự suy yếu nhập khẩu của Trung Quốc và nhu cầu nguyên vật liệu thô của nước này.

“Cộng thêm sự siết chặt quy chế giám sát của Chính phủ Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế sẽ giảm tốc và nhu cầu hàng hoá cơ bản sẽ giảm theo. Nhà lý do có lý do để chùn tay và kiên nhẫn chờ đợi về những gì sẽ xảy ra tiếp theo trong khu vực”, ông Rieder phát biểu. “Vai trò của kinh tế Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu là rất lớn. Nên mối lo về Trung Quốc sẽ không sớm tan đi trên thị trường tài chính toàn cầu”.

Chuyên đề